Thời gian gần đây, nạn tảo hôn ở huyện miền núi Sông Hinh gia tăng. Điều đáng nói là cô dâu, chú rể nhí cưới nhau không hoàn toàn do hủ tục hay bị cha mẹ ép buộc.
Chồng mất khi đứa con nhỏ mới 14 tháng tuổi, một mình mí Nh ở xã Ea Bar phải nuôi 4 người con. Nhà không có đàn ông, nên khi nghe tin đứa con gái lớn H.T mới 16 tuổi đã có bầu với một thanh niên trong buôn, mí Nh như chết lặng. Chuyện đã rồi, mí Nh phải vay mượn, gói ghém tổ chức đám cưới cho con.
Nói về chuyện cưới chồng sớm của mình, H.T bộc bạch: “Em không thích đi học và còn thi rớt nên đã nghỉ học hồi năm lớp 6. Sau đó, em ở nhà phụ giúp mẹ làm những công việc lặt vặt. Ở nhà buồn nên khi ra ngoài gặp người chồng bây giờ, em thấy thích thích thế là bắt chồng luôn. Biết là bắt chồng sớm sẽ khổ, nhưng em vẫn thích cưới”. Có lẽ vì tuổi đời còn nhỏ, chưa hiểu hết sự phức tạp của cuộc sống hôn nhân gia đình, trách nhiệm và bổn phận làm cha mẹ… nên những câu nói của H.T mới ngây thơ đến vậy. Hiện tại, H.T đang chăm sóc đứa con trai mới sinh chỉ nặng chưa đầy 2kg tại nhà mẹ đẻ.
Tại Sông Hinh, nạn tảo hôn không phải chỉ xảy ra đối với đồng bào dân tộc thiểu số mà còn ở cả người Kinh. Ví dụ như trường hợp của em N.T.B.Đ (16 tuổi, xã Đức Bình Đông) lấy chồng ở cái tuổi mà bạn bè vẫn còn tung tăng cắp sách tới trường. Đ và bạn trai quen nhau được khoảng một tháng thì về ở với nhau. Cũng do “ăn cơm trước kẻng”, dính bầu nên việc cưới xin diễn ra rất nhanh gọn. Tuy nhiên, nhanh gọn cưới thì cũng nhanh gọn chia tay vì những cuộc cãi vã trẻ con sau hơn 1 năm chung sống. Khi được hỏi vì sao vợ chồng lại chia tay, N.T.B.Đ hồn nhiên trả lời: “Tụi em cưới nhau còn nhỏ quá nên chắc ở với nhau không được. Chồng ham chơi mà em cũng ham chơi luôn! Còn trẻ chưa lo làm ăn, chúng em thường cãi nhau nên dẫn đến chia tay. Bây giờ em đang ở nhờ nhà mẹ đẻ, ai kêu gì làm nấy để kiếm tiền nuôi con nhỏ”.
Theo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện đang có sự gia tăng. Từ năm 2009-2014, trên địa bàn huyện có tổng cộng 183 trường hợp tảo hôn. Riêng trong năm 2014, toàn huyện có đến 38 trường hợp tảo hôn, con số này tiếp tục tăng trong năm 2015. Còn trong 3 tháng đầu năm 2016, huyện Sông Hinh có 6 trường hợp tảo hôn.
Chị Phạm Thị Kim Thơ, cán bộ chuyên trách dân số xã Đức Bình Đông, cho biết: “Chuyện tảo hôn ở xã hiện nay khá phổ biến. Đa số các cặp vợ chồng trẻ cưới nhau sau một thời gian ngắn chung sống rồi chia tay, dẫn đến tình trạng con không có cha hoặc không có mẹ, hay phụ nữ đơn thân đi làm thuê làm mướn để nuôi con một mình là khá nhiều”.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Phú Yên, tình trạng tảo hôn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản. Vì nếu làm cha, làm mẹ sớm quá, các em chưa phát triển toàn diện, các cơ quan sinh sản chưa thật sự hoàn thiện. Mặt khác, nếu cưới nhau quá sớm, tâm lý của các em vẫn chưa sẵn sàng để làm cha, làm mẹ, những kiến thức và hiểu biết thế nào là cuộc sống gia đình, cùng những lo toan trong cuộc sống dẫn đến hôn nhân dễ bị tan vỡ.
Hiện nay, ngành Dân số Phú Yên triển khai đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Sông Hinh; đồng thời tuyên truyền, vận động và kêu gọi các ngành cùng chung tay xóa bỏ nạn tảo hôn vẫn đang diễn ra tại vùng nông thôn, đặc biệt là tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
NHƯ NGUYỆN