Với một đứa con bình thường, việc chăm sóc đã đòi hỏi sự chu đáo, tận tâm, thì với một đứa con tật nguyền, người mẹ lại càng phải dành hết thời gian và cả trái tim mình để bù đắp.
Chị Hậu và bé Hùng ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà - Ảnh: N.HẬU |
NIỀM VUI NGẮN CHẲNG TÀY GANG
Lập gia đình và sinh đứa con trai đầu lòng khỏe mạnh, niềm vui của anh Huỳnh Văn Hớn và chị Nguyễn Thị Hậu ở xóm Vườn Cụt, thôn Phú Xuân A, tưởng chừng như vô tận. Với ngôi nhà nhỏ cất lên từ công sức của hai vợ chồng, họ dự tính rất nhiều cho tương lai. Thế nhưng, niềm vui ấy nhanh chóng bị dập tắt khi đứa con thứ hai ra đời. Mới lọt lòng, cháu Huỳnh Quốc Hùng (sinh năm 2011) đã bị dị tật bẩm sinh, không có cấu tạo tai đầy đủ và trụt hàm dưới. Nửa tháng sau sinh, cháu Hùng đã phải nằm lồng kính suốt 9 tháng liền và được bác sĩ chẩn đoán bị mềm sụn thanh quản, phải mở khí quản đặt canule hỗ trợ hô hấp, ăn uống. Và bắt đầu từ đó, cháu đã phải sống chung với thiết bị nhân tạo này để duy trì sự sống.
Đối với một đứa trẻ, việc kiểm soát thiết bị hỗ trợ trên cơ thể để bảo vệ sức khỏe là điều không hề đơn giản. Cũng chính vì thế mà hơn 6 năm nay, chị Hậu gác lại tất cả công việc đồng áng, chỉ lo chăm sóc con, không thể rời con nửa bước. Hơn nữa, vì cấu tạo tai bị khiếm khuyết, Hùng chỉ có vành tai, nên việc tiếp nhận âm thanh rất khó khăn. Năm 4 tuổi, điều kỳ diệu xảy ra khi em nghe loáng thoáng lời nói giao tiếp hàng ngày rồi bập bẹ trả lời được một vài tiếng. Chị Hậu cho biết, vì mang ống thở nhân tạo nên sức đề kháng của Hùng rất yếu. Bụi bặm trong không khí cũng dễ dàng bay vào đường thở. Chưa kể, đôi lúc các dị vật nhỏ cũng có thể làm tắc nghẽn đường hô hấp hay đường ống khí bị gãy do vận động cũng gây nguy hiểm tính mạng.
NEO NIỀM TIN ĐỂ SỐNG
Sáu năm sinh ra Hùng là 6 năm chị Hậu cùng con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, từ tuyến huyện, tuyến tỉnh, đến tuyến trung ương. Hàng ngày, chị vẫn trò chuyện, vui đùa cùng con để bé không có cảm giác mình là người khiếm khuyết và hy vọng con có nhiều cơ hội hòa nhập cuộc sống hơn. Hiện tại, cứ hai tháng một lần, chị lại gom góp tiền bạc, cùng con khăn gói vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 để tái khám, kiểm tra lại ống thở và tình trạng sức khỏe. Theo chẩn đoán của bác sĩ, nếu sức khỏe của Hùng tốt, sau khi lấy ống thở nhân tạo ra để bé tự hô hấp theo cơ chế tự nhiên ổn định thì mới tính đến chuyện phẫu thuật tái tạo vành tai và kéo hàm dưới ra.
Điều chị Hậu lo lắng là với tình trạng sức khỏe hiện tại của con, sẽ còn rất lâu mới làm được điều này. Trong khi đó, khi Hùng lên 7 tuổi, bảo hiểm dành cho trẻ dưới 6 tuổi không còn, với điều kiện kinh tế eo hẹp của gia đình, việc tiếp tục chạy chữa cho con là vô cùng khó khăn. Bởi từ lâu, mọi công việc đồng áng đều đè nặng lên vai anh Hớn, chồng chị, cùng với những năm tháng lo chạy chữa cho con, kinh tế vốn dĩ đã khó khăn, lại càng thêm chất chồng gấp bội lần.
Niềm an ủi duy nhất của chị Hậu là dù hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, đứa con trai lớn của chị là Huỳnh Quốc Hưng, hiện học lớp 10, liên tiếp nhiều năm liền đều là học sinh giỏi. Chị nói, dù có phải vay mượn, thậm chí bán hết mọi thứ, vẫn cho con đi học, tiếp tục chạy chữa cho bé Hùng và không bao giờ bỏ cuộc. Bằng trái tim bao dung của người mẹ, chị luôn song hành cùng con, dẫu có phải nhọc nhằn để neo giữ sự sống cho con và không cho phép mình gục ngã. Chị vẫn hy vọng phép màu sẽ xảy ra để con có một cuộc sống bình thường, được nói, cười và cắp sách đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác.
NGUYÊN HẬU