Thứ Hai, 14/10/2024 20:24 CH
Mùa làm ăn ở hạ lưu sông Ba
Thứ Sáu, 13/05/2016 08:00 SA

Anh Võ Công Trưởng, kéo điện từ làng ra và đầu tư hệ thống tưới tự động để giảm bớt sức lao động - Ảnh: T.HÀ

Hàng năm, khi mùa lũ lụt đã qua, mực nước ở hạ lưu sông Ba xuống thấp cũng là lúc mùa làm ăn trên bãi bồi trở nên nhộn nhịp.

 

ĐẤT ĐÃI NGƯỜI CẦN CÙ

 

Sông Ba, từ tháng 10 đến tháng Chạp hàng năm, thường chìm trong biển nước. Thế nhưng, khi những cơn lũ cuối cùng qua đi, bãi bồi sông Ba hiện lên với nhiều lớp phù sa bồi trên bề mặt. Đây cũng là lúc nhiều người dân ra bãi dựng lều, xây chuồng trại, làm đất, chuẩn bị cho một mùa làm ăn mới. Không giống như những vùng trồng rau chuyên canh khác, vì bãi bồi sông Ba màu mỡ nên cây cối ở đây xanh tốt, người canh tác không phải dày công chăm sóc, bón phân, tưới nước cả ngày. Nếu người dân muốn trồng cỏ voi thì cứ cày cuốc lên, dăm hom là cỏ mọc lút đầu. Cứ thế, người ta cắt cho gia súc. Còn muốn trồng bầu, bí thì họ cuốc thành những hốc, bỏ ít phân chuồng, tưới nước là cây lớn lên, cho trái. Năm nào, đất cũng được ngâm trong nước rồi phơi trong nắng nên sâu bọ không nhiều.

 

Anh Võ Công Trưởng, sinh năm 1980, ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), một người trồng rau trên bãi bồi, cho biết: “Hồi đầu, vùng này cỏ cao lút đầu, máy cày không đi nổi do bị cỏ quấn vào. Nhờ chúng tôi kiên trì cải tạo, khu này giờ đã thành bãi đất có thể trồng trọt được. Đất hiền nên cây dễ sinh sôi. Như đám cà tím, từ lúc trồng cho đến giờ đã cỗi, sắp nhổ bỏ mà tôi mới chỉ phun thuốc rầy có một lần. Nhờ ít phân thuốc, năng suất cao, tính ra mỗi ngày gia đình tôi thu vào 300-500.000 đồng từ rau màu trồng ở bãi bồi”.

 

Còn ông Nguyễn Chấm (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa), năm nay 65 tuổi, có thâm niên hơn 50 năm canh tác trên bãi bồi, chia sẻ: “Từ lúc tôi 10 tuổi, ba tôi đã cho tôi xuống bãi bồi để cắt cỏ vì gia đình có một vùng bãi rộng lớn hàng chục hecta ở đây. Sau nhiều năm lũ lụt, đất bãi bồi bị các con lạch chia cắt, xới lên nên người bên thôn Phú Lễ (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) xin làm một phần. Hiện tại, gia đình tôi chỉ còn vài hecta trồng cỏ. Tuy nhiên, với vùng cỏ này tôi cũng nuôi được hơn chục con bò, cho các con ăn học và tích lũy cho tuổi già”.

 

NƯỚC MANG VỀ SỰ SỐNG

 

Nếu như đất màu mỡ giúp ươm mầm cây cối xanh tốt thì phần nước còn lại dưới lòng sông Ba khiến nguồn sống nơi đây thêm dồi dào. Nước tưới cho cây trồng. Nước dùng nuôi gia súc. Nước cùng với nguồn thủy sản dưới sông là nơi cắm chòi của những bầy vịt đồng. Đêm đêm, trên sông nước, những mái chèo vung lên nhè nhẹ gõ vào mạn thuyền đuổi cá để những buổi sớm mai, cá lên chợ, mang lại khoản thu nhập đáng kể cho những người sống bằng nghề sông nước.

 

Ở hạ lưu sông Ba, hoạt động lao động trên sông không ngừng nghỉ suốt cả ngày lẫn đêm. Nếu như trên bờ, người nuôi vịt, nuôi bò, người trồng rau dưa, thì dưới sông, ban ngày có cả một lực lượng vài chục người chuyên cào don, dắt; ban đêm giăng lưới, câu kéo… Với công việc này, mỗi người có thể kiếm được 200.000-300.000 đồng cho một ngày lao động. Ông Hồ Châu, một người đánh lưới lâu năm trên hạ lưu sông Ba, cho biết: “Con cá, con tôm giờ ngày càng hiếm nhưng nếu chúng tôi chịu khó đi cả đêm thì đến khi gỡ lưới cũng có kha khá. Có ngày được luồng cá, tôi kiếm cả triệu bạc; còn không thì cũng được vài trăm ngàn, sống túc tắc qua ngày”.

 

Khi mặt trời hừng đông, những dụng cụ đánh lưới được thu về thì trên bãi bồi, ngày lao động của nhà nông lại bắt đầu. Cứ thế, từ năm này sang năm khác, bãi bồi hạ lưu sông Ba đã trở thành nơi mưu sinh của rất nhiều người dân ven sông. Để khi lũ về, dòng sông lại trắng xóa trong màn nước, đất đai lại nhẫn nhịn nằm yên chờ đợi, công việc trên bãi, ngoài sông tạm nghỉ ngơi… để đến khi nước rút, bãi bồi hiện ra, đất lại được hồi sinh bằng những mùa vụ mới.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek