Để giúp người tiêu dùng tự nhận biết, tự bảo vệ quyền lợi của mình trước thị trường còn khá nhập nhằng, lẫn lộn như hiện nay, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh nỗ lực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong việc lựa chọn hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Toàn tỉnh hiện có gần 68.400 CNVCLĐ, với gần 46.000 đoàn viên tham gia sinh hoạt tại gần 990 CĐCS. Thông qua các buổi sinh hoạt nữ công, sinh hoạt chuyên đề, Tháng Công nhân, chị em phụ nữ, đoàn viên công đoàn được ban chấp hành công đoàn đồng cấp phối hợp với Siêu thị CoopMart Tuy Hòa, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và các đơn vị liên quan khác hướng dẫn cách lựa chọn sản phẩm có chất lượng, phân biệt hàng thật, hàng nhái. Chị Nguyễn Thị Yến, Trưởng ban Nữ công Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, chia sẻ: “Tôi tham gia sinh hoạt nhiều lần ở câu lạc bộ nữ công. Ở đây, tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích như cách phân biệt hàng thật, hàng nhái; tìm hiểu được những doanh nghiệp làm ăn không chân chính gây tổn hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua các buổi sinh hoạt tư vấn tiêu dùng, về cơ sở, tôi chia sẻ những kinh nghiệm cho chị em trong cơ quan, gia đình và hàng xóm”.
Công đoàn ngành Y tế Phú Yên hiện có gần 2.500 đoàn viên đang tham gia công tác, trong đó nữ chiếm hơn 60% tổng số đoàn viên của ngành. Không chỉ làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, lực lượng này còn thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn sản phẩm sạch, tẩy chay những hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc được báo chí công khai gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng như đồ chơi cho trẻ em, quần áo gây ung thư, đồ giữ nhiệt gây ung thư… Bà Nguyễn Thị Nhơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế, cho biết: “Với một lực lượng hùng hậu, công đoàn ngành chúng tôi luôn lồng ghép hoạt động tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, quyền lợi người tiêu dùng vào các cuộc họp. Đồng thời, đoàn viên công đoàn còn là chân rết để tuyên truyền, hướng dẫn chị em phụ nữ trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình trong tiêu dùng”.
Công đoàn ngành Giáo dục cũng là một trong những công đoàn ngành có đông số lượng đoàn viên tham gia sinh hoạt. Những cán bộ, giáo viên còn là các tuyên truyền viên tích cực hướng dẫn, dạy các em học sinh nêu cao tinh thần người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, là người tiêu dùng thông thái; tuyên truyền, vận động gia đình, người thân tẩy chay những hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, nói: “Công đoàn luôn có những văn bản hướng dẫn công đoàn cơ sở thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Coi đây là hoạt động thường xuyên đối với tổ chức công đoàn cơ sở”.
Song song đó, LĐLĐ tỉnh còn phối hợp Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, phát tờ rơi, treo băng rôn, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tuyên truyền về các biện pháp chống hàng giả, tiến hành giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp. Chính điều này đã có những tác động tích cực đến người tiêu dùng, qua đó người tiêu dùng hiểu rõ hơn và ngày càng ý thức hơn về vai trò và quyền của mình khi mua sắm hàng hóa.
Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, nói: “Người tiêu dùng, nhất là chị em phụ nữ, cần phản ánh thông tin về hàng hóa, chất lượng hãy liên hệ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh hay các cơ quan chức năng để được giải quyết. Hội sẵn sàng bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật”.
NHÃ UYÊN