Không chỉ chủ động tìm việc làm thêm ở các quán xá, nhiều sinh viên còn biết tự tạo việc làm cho mình và bạn bè bằng cách “kinh doanh” những mặt hàng nho nhỏ. Đêm, khi ánh đèn đường bật lên, những cô cậu sinh viên tất tả bắt đầu công việc của mình.
“Ban đầu em cũng cảm thấy ngại vì đi đâu cũng gặp người quen, đi riết rồi quen. Cũng từ việc kinh doanh những mặt hàng nho nhỏ này em hiểu thêm giá trị của đồng tiền mà cha mẹ đã đổ mồ hôi làm ra. Từ đó, em thấy quý và biết cách sử dụng nó một cách hợp lý”, Mỹ Phương chia sẻ. |
SINH VIÊN BÁN HÀNG RONG
Không nằn nì níu kéo, Lê Mỹ Phương với dáng người nhỏ nhắn, vận quần jean áo thun, mang giày bata, bước vào các quán ăn cúi chào khách hàng, sau đó giới thiệu mình là sinh viên Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, chuyên bán rau câu tự làm và mong được mọi người ủng hộ. Đi một vòng các bàn giới thiệu, nếu khách đồng ý mua, Phương lấy rau câu đã làm sẵn từ trong thùng lạnh ra đưa cho khách; nếu khách từ chối, Phương lịch sự cảm ơn rồi đi đến bàn khác.
Công việc của Phương bắt đầu từ 7 giờ tối. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, Phương để phía sau baga xe thùng rau câu làm sẵn, cứ thế đi từ quán này sang quán khác. Những khách quen hay mua ủng hộ Phương phần vì thấy em giới thiệu nhiệt tình phần vì những món rau câu do Phương làm đều “biến tấu” một chút khi có thêm ít đậu xanh, nước cốt dừa hay dừa sợi để món ăn vặt này trở nên hấp dẫn hơn.
Còn Phùng Thị Hoài Thu, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin (Trường đại học Phú Yên), đến từ Quảng Ngãi, và bạn của mình lại có kiểu bán hàng khá ngộ nghĩnh. Thu và bạn thường đi bán hàng cùng nhau, một người bán, một người mặc trong trang phục thú bông để thu hút sự chú ý của khách. Thường thì Thu đi trước, tay cầm giỏ kẹo, dắt theo người bạn ở phía sau. Mặt hàng Thu bán là kẹo que Hạnh phúc. Cũng như Phương, Thu lịch sự giới thiệu xuất xứ của chiếc kẹo que, mức độ an toàn của nó rồi đưa ra lời mời. Thu cho biết, kẹo que mà em bán là loại kẹo độc quyền lấy từ một nhà sản xuất ở TP Hồ Chí Minh, khó tìm ở những cửa hàng tại Tuy Hòa nên em bán tương đối chạy.
Giá của các mặt hàng mà sinh viên bán thường đắt hơn giá mua tại cửa hàng, nhưng với công sức các bạn trẻ bỏ ra, nhiều người vẫn mua ủng hộ. Sau khi giao hàng cho khách, Thu và người bạn cuối chào cảm ơn và tiếp tục hành trình bán hàng cho đến khuya.
TRỞ THÀNH CÔ CHỦ NHỎ
Với công việc chế biến và bán rau câu, Phương kiếm được từ 100.000 đến 200.000 đồng mỗi đêm. Thấy công việc này mang lại thu nhập khá, nhưng một mình làm không xuể, Phương đã mở rộng mạng lưới bán rau câu để các bạn sinh viên khác cùng làm.
Từ một người bán rau câu đơn lẻ, hiện Phương trở thành một cô chủ nhỏ quản lý một nhóm bán hàng 8 người. Nhóm chia nhau các khu vực trong thành phố để bán hàng. Sau khi kết thúc buổi làm việc, mọi người tập kết về điểm hẹn, tổng kết lượng hàng bán được. Với vai trò là người quản lý, Phương cung cấp rau câu, thùng lạnh cho các bạn và phân chia lợi nhuận sau buổi bán hàng. Công việc này giúp em có được những khoản tiền kha khá đảm bảo đời sống sinh viên; đồng thời tạo điều kiện để các bạn khác làm việc kiếm thêm thu nhập.
Nhóm bán kẹo que Hạnh phúc giờ cũng có lực lượng trên dưới 8 người, do Nguyễn Chí Hiếu, sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung, làm nhóm trưởng. Ngô Thanh Biên, sinh viên năm 3, Khoa Kỹ thuật công trình xây dựng, Trường đại học Xây dựng Miền Trung, thành viên trong nhóm, với vóc dáng cao to, nhiệm vụ của Biên là hóa trang thành thú bông cùng một bạn nữ đi bán kẹo que. Biên cho biết, mình gia nhập vào nhóm bán hàng đã hơn hai tháng. Số tiền kiếm được từ công việc này đủ để em trang trải cuộc sống; còn tiền ba mẹ gửi cho, Biên để dành mua sắm những dụng cụ học tập.
Vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều sinh viên phải đi làm thêm để có tiền trang trải cho cuộc sống xa nhà. Với những sinh viên biết tự tạo cho mình công việc phù hợp, các bạn có thể chủ động sắp xếp thời gian giữa học và làm một cách hợp lý, có cơ hội tiếp xúc với thực tế, có thêm thu nhập mà vẫn đảm bảo việc học tập. Không chỉ bán hàng, hiện một số sinh viên còn tự tạo công việc cho mình bằng cách đi hát rong, mở quán cà phê bệt và bán các món tự làm.
THÁI HÀ