Hiện nay, cán bộ y tế cấp xã vẫn đang thực hiện thủ thuật đặt vòng tránh thai cho nhiều chị em ở các địa phương. Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đều phối hợp với tổ chức Marie Stopes International Việt Nam (tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực DS-KHHGĐ) tổ chức tập huấn, cập nhật kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở.
“Rất mừng vì hiện nay, nhiều chị em ở các vùng nông thôn đã chấp nhận biện pháp đặt vòng tránh thai một cách thoải mái và không còn quá e dè. Kết quả này có được là nhờ cán bộ y tế tuyến xã đã nỗ lực trong việc tư vấn và thực hiện hiệu quả biện pháp đặt vòng tránh thai. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh luôn coi trọng và đầu tư cho công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cán bộ y tế đối với kỹ thuật phổ biến này trong chương trình KHHGĐ của ngành Dân số”. (Ông Nguyễn Ngọc Nha, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên) |
Theo số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, hàng năm, Phú Yên có hơn 7.500 phụ nữ thực hiện biện pháp tránh thai bằng cách đặt vòng tránh thai. Biện pháp này có ưu điểm là thủ thuật đơn giản, tiện lợi cho người sử dụng, việc theo dõi ở mức tối thiểu, tỉ lệ tránh thai an toàn lên đến 99% trong thời gian từ 5 đến 10 năm. Vì thế đặt vòng tránh thai trở thành biện pháp được nhiều phụ nữ lựa chọn.
Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên cũng ghi nhận có những tai biến xảy ra sau quá trình đặt vòng tránh thai. Trong đó, các hiện tượng thường gặp là: Ra máu âm đạo, đau bụng âm ỉ, buồn nôn, hạ huyết áp, rối loạn kinh nguyệt… Dù đặt vòng tránh thai là thủ thuật nhỏ nhưng vẫn can thiệp vào bên trong tử cung nên chị em có rất nhiều thắc mắc cần giải đáp. Thậm chí có nhiều chị còn sợ hãi và e dè. Vì thế, công tác tư vấn, giải thích cho khách hàng trở thành một vấn đề quan trọng với nhân viên y tế.
Đặt vòng tránh thai là phương pháp phổ biến được nhiều phụ nữ chọn. Vì thế, nâng cao kỹ thuật là yêu cầu cần thiết trong việc đảm bảo an toàn cho chị em khi thực hiện biện pháp tránh thai. Đáp ứng yêu cầu này, mới đây, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên mở lớp tập huấn cập nhật kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung cho những cán bộ, nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi, điều dưỡng viên đang làm việc tại các trạm y tế xã, trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã thành phố. Chị Nguyễn Thị Cẩm Linh, cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ TX Sông Cầu, chia sẻ: “Qua lớp tập huấn, tôi được trang bị thêm kiến thức chuyên môn và cách giao tiếp với khách hàng để tạo cho họ tâm lý thoải mái nhất”.
Dù các học viên là những cán bộ có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nhưng khi thao tác trên mô hình dưới sự quan sát của đồng nghiệp và giảng viên hướng dẫn, họ có thể nâng cao kiến thức và hiểu biết chuyên sâu về nghề. Chị Ngô Thị Mười, nữ hộ sinh thuộc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, chia sẻ: “Việc thực hành trên mô hình cách thức đo buồng tử cung, đặt và lấy vòng tránh thai… giúp tôi có thể hệ thống lại quy trình đầy đủ trong việc cung cấp dịch vụ đặt vòng tránh thai cho khách hàng một cách an toàn nhất”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Yến - Chuyên gia giám sát chất lượng lâm sàng các phòng khám Marie Stopes International tại Việt Nam, giảng viên hướng dẫn tại lớp tập huấn, nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến xảy ra; trong đó tai biến chủ yếu là do cơ thể phản ứng với vật lạ khi đặt vòng tránh thai. Vì thế, để giảm thiểu tai biến không mong muốn, yêu cầu nhân viên y tế cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật đặt vòng tránh thai. Những người được chỉ định và chống chỉ định; đặc điểm vòng, hiệu quả tránh thai, vệ sinh khi đặt vòng tránh thai; xử lý tai biến xảy ra… cần phải được cập nhật thường xuyên.
Bác sĩ Yến cho biết thêm: “Qua các lớp tập huấn ở cơ sở, tôi nhận thấy có nhiều nhân viên y tế tuyến xã rất có ít cơ hội tập huấn nâng cao nghiệp vụ đối với kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung. Theo Thông tư 22 của Bộ Y tế, cứ 2 năm thì nhân viên y tế phải được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ một lần. Thực tế cũng cho thấy, nhiều nhân viên y tế tuyến xã quên, hoặc thực hiện chưa đúng kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung”.
Do vậy, hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên đều phối hợp với tổ chức Marie Stopes International Việt Nam tổ chức tập huấn cập nhật kỹ thuật đặt dụng cụ tử cung cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở. Đây là hoạt động quan trọng góp phần nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế đặc biệt là nữ hộ sinh tuyến xã, y sĩ sản nhi tuyến huyện, những người trực tiếp thực hiện kỹ thuật đặt vòng tránh thai.
DIỆU ANH