Thẩm tra, đánh giá các báo cáo, đề án, tờ trình trình ra kỳ họp của HĐND (kỳ họp thường kỳ và kỳ họp chuyên đề) là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của các ban HĐND.
Đại biểu Phạm Kiên, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa VI - Ảnh: M.KÝ |
CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Thẩm tra, đánh giá các báo cáo, đề án, tờ trình nhằm xem xét tính khoa học, tính chính xác, tính hợp lý, hợp pháp, tính khả thi của các vấn đề được đưa vào báo cáo của UBND trình HĐND tại kỳ họp. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động của các ban HĐND, là cơ sở giúp đại biểu HĐND có thêm thông tin, thấy được những vấn đề cần tập trung thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân ở địa phương, góp phần đảm bảo nghị quyết của HĐND phát huy hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các ban của HĐND thẩm tra xem xét, đánh giá cả về hình thức và nội dung dự thảo nghị quyết trước khi trình ra kỳ họp HĐND (theo Điều 75 và Điều 77 của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003; Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004).
Một trong những chức năng của Ban Văn hóa - Xã hội là thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao và chính sách tôn giáo do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công. Thời gian qua, công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, đề ra phương pháp làm việc phù hợp, thiết thực, hiệu quả; chất lượng báo cáo thẩm tra tại kỳ họp ngày càng được nâng lên, các báo cáo thẩm tra đã đánh giá, phân tích những mặt còn tồn tại, hạn chế, chỉ ra được những nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị cụ thể, thể hiện được chính kiến và có tính phản biện, làm cơ sở để các đại biểu thảo luận, xem xét kịp thời các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Trên cơ sở phân công của Thường trực HĐND tỉnh, ban đã xây dựng kế hoạch thẩm tra, phối hợp giữa các ban của HĐND với các cơ quan chuyên môn và cơ quan soạn thảo. Ban cũng chủ động thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình ngay từ khi được UBND tỉnh mời tham dự các phiên họp thường kỳ để thảo luận, thống nhất nội dung trình tại kỳ họp HĐND tỉnh. Nhờ vậy, ban tiếp cận được thông tin sớm và chủ động về kế hoạch, thời gian xây dựng báo cáo thẩm tra.
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ban đã liên hệ, yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan liên quan gửi báo cáo, đề án kèm theo hồ sơ, tài liệu liên quan đúng thời hạn, đảm bảo thời gian để ban có cơ sở nghiên cứu tài liệu một cách kỹ lưỡng, thấu đáo.
NÂNG CAO NĂNG LỰC, KỸ NĂNG THẨM TRA
Để việc thẩm tra thực sự có chất lượng, công tác chuẩn bị thẩm tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở nội dung của báo cáo, đề án, trưởng ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của ban, yêu cầu dành thời gian thích đáng để nghiên cứu báo cáo, đề án và các tài liệu có liên quan. Thành viên của ban phải chịu trách nhiệm trước tập thể về công việc được giao; xác định rõ đối tượng, phạm vi mà báo cáo, đề án tác động đến để tổ chức các hoạt động giám sát. Thông qua hoạt động này, ban sẽ kiểm tra thực tế tại các địa phương, đơn vị có liên quan về những vấn đề được nêu trong báo cáo, đề án; đồng thời thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến vấn đề cần thẩm tra. Công việc này được tiến hành khẩn trương, liên tục, khai thác vấn đề từ nhiều nguồn thông tin một cách trung thực, chính xác, khách quan, toàn diện có đối chiếu và kiểm chứng.
Trong quá trình thẩm tra, ban luôn đề cao tính dân chủ, công khai, qua nhiều kênh thông tin với nhiều phương pháp giám sát linh hoạt nhằm tiếp thu, thăm dò ý kiến, kiến nghị của nhân dân đóng góp vào nội dung của báo cáo, đề án. Đặc biệt trong những trường hợp nội dung của báo cáo, đề án liên quan đến quyền lợi của nhiều người hoặc một nhóm người, một nhóm đối tượng nào đó thì việc đưa nội dung để lấy ý kiến thăm dò, góp ý của nhân dân và các đối tượng chịu tác động là một yêu cầu bắt buộc. Có như vậy, mới có cơ sở để xây dựng báo cáo thẩm tra một cách chính xác, sát đúng, nêu lên được những vấn đề bức xúc, có tính phản biện cao, giúp HĐND có những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân và mang tính khả thi.
Nhờ thực hiện đúng những phần việc nêu trên nên báo cáo thẩm tra của ban luôn đảm bảo đúng thời gian quy định, có chất lượng. Quá trình thẩm tra, Ban Văn hóa - Xã hội đi sâu phân tích những vấn đề trọng tâm để HĐND tập trung thảo luận, cân nhắc, chú trọng làm rõ những khả năng và điều kiện để thực hiện nghị quyết trong thực tiễn. Từ kiến nghị của ban, các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường và hoạt động chất vấn được các đại biểu tích cực tham gia, góp phần giúp đại biểu có cơ sở xem xét tính chân thực, tính hợp pháp, tính khả thi của các báo cáo, đề án, tờ trình tại kỳ họp.
Để việc thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình của các ban nói chung và Ban Văn hóa - Xã hội nói riêng tiếp tục phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng, mang tính phản biện cao, lãnh đạo ban cần được mời tham dự các hội nghị liên quan đến hoạt động của lĩnh vực ban phụ trách (kể cả các hội nghị của cấp ủy) trước khi trình kỳ họp HĐND để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra của ban. Đây là điều kiện đầu tiên, tạo tiền đề cho công tác thẩm tra có chất lượng.
Bên cạnh đó, các cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức để đóng góp và thông qua các dự thảo, báo cáo, đề án…, lãnh đạo ban theo lĩnh vực có liên quan cần được tham dự để nắm bắt thông tin, khai thác và tổng hợp văn bản, tài liệu có liên quan. Sau đó, lãnh đạo này sẽ chuyển tải giúp các thành viên của ban có thêm cơ sở để tham gia xây dựng báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, có hiệu quả. Ngoài ra, các báo cáo, đề án, tờ trình phải được gửi cho Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh đúng thời gian, có sự thẩm định của Sở Tư pháp đối với các văn bản có yêu cầu phải thẩm định…
Các cơ quan liên quan cần tổ chức định kỳ để tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực và kỹ năng thẩm tra của các ban HĐND, các thành viên ban hoạt động kiêm nhiệm; xây dựng đội ngũ tham mưu, giúp việc cho HĐND tỉnh mang tính chuyên nghiệp, có cơ chế, chính sách thu hút những người có phẩm chất tốt, có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử về công tác tại văn phòng để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới…
NGUYỄN THỊ DIỆU THIỀN
Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh