Qua hơn 5 năm triển khai, đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (gọi là Đề án 52), giai đoạn 2009-2020 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm tỉ lệ sinh con thứ ba và nâng cao chất lượng dân số ở miền biển.
Phát thuốc cho chị em tại chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở huyện Đông Hòa - Ảnh: T.DIỆU |
Từ khi Đề án 52 được triển khai thực hiện đến nay đã góp phần tạo điều kiện cho hơn 12.000 lượt phụ nữ miền biển được khám, cung cấp những thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ... Đề án còn xây dựng thành công các mô hình Tư vấn về chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên, Câu lạc bộ (CLB) Cha mẹ và vị thành niên/thanh niên về SKSS/sức khỏe tình dục, CLB Không sinh con thứ ba, CLB Gia đình hạnh phúc… tạo điều kiện thuận lợi để người dân miền biển hiểu và nhận thức đúng đắn hơn về chăm sóc sức khỏe, SKSS/KHHGĐ.
Sự chuyển biến về nhận thức và chuyển đổi hành vi rõ nhất ở các địa phương ven biển có thể nói đến đó là TX Sông Cầu. Đây là địa phương có tỉ lệ sinh con thứ ba giảm, tỉ lệ vị thành niên, thanh niên có kiến thức và hiểu biết đầy đủ về giới, giới tính, tình yêu, tình dục, SKSS, sức khỏe tình dục và biết cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cao nhất trong toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Khả, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TX Sông Cầu, chia sẻ: “Có được kết quả đó là nhờ sự nhiệt tình, nỗ lực trong công tác tuyên truyền vận động của đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ cộng tác viên dân số. Họ đã đến từng hộ gia đình miền biển vận động chị em gia đình đông con, có nguy cơ sinh thêm con sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Nhiều cộng tác viên dân số còn tranh thủ thời gian thuyền cập bến sau những chuyến biển để cấp phương tiện tránh thai và cung cấp, tư vấn các kiến thức cơ bản về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS”.
Còn tại TP Tuy Hòa, Đề án 52 cũng góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Người dân ở các xã, phường ven biển được cung cấp đầy đủ và thụ hưởng nhiều dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đồng bộ và hiệu quả. Hàng năm, số người tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 100%, tỉ lệ chị em tham gia các đợt chiến dịch cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm sau cao hơn năm trước, tỉ lệ sinh con thứ ba và sinh con thứ ba trở lên giảm... Người dân chủ động tham gia các đợt sinh hoạt văn hóa cộng đồng để bổ sung thêm kiến thức cần thiết cho bản thân, góp phần làm cho chất lượng dân số ở đây cải thiện đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Thúy, cán bộ chuyên trách dân số phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: “Cán bộ dân số phường phải thường xuyên tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần chưa hiểu thì nói nhiều lần. Chúng tôi còn chủ động tuyên truyền theo nhóm trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Đội ngũ cộng tác viên dân số tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” chứ không tuyên truyền theo kiểu hô hào phong trào”.
Theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Phó chi cục trưởng, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, việc thực hiện Đề án 52 giúp các địa phương có thêm kinh phí thực hiện chiến dịch và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Nếu như các địa phương không phải vùng biển, đảo một năm chỉ thực hiện hai đợt chiến dịch chăm sóc SKSS thì các địa phương ven biển có điều kiện tổ chức nhiều hơn. Trong các đợt cung cấp dịch vụ ở cơ sở, người dân được cung cấp kiến thức cơ bản, giải đáp những thắc mắc và được tư vấn đầy đủ về các vấn đề liên quan đến SKSS/KHHGĐ, bệnh phụ khoa và các bệnh nguy hiểm thường gặp phải ở các chị em phụ nữ... Nhờ vậy, phụ nữ ở vùng ven biển đã ý thức hơn về vấn đề chăm sóc sức khỏe của chính mình, chủ động quyết định thời điểm sinh con, giữ khoảng cách giữa hai lần sinh con hợp lý và giảm thiểu sinh con thứ ba.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Đề án 52 tại các địa phương miền biển trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, các ngư dân miền biển vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng được hưởng lợi. Đề án không chỉ hướng tới mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, tỉ lệ nạo phá thai và mang thai ngoài ý muốn… góp phần nâng cao chất lượng dân số, cải thiện nguồn nhân lực và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân miền biển trên địa bàn tỉnh.
NHƯ NGUYỆN