Thứ Hai, 30/09/2024 08:25 SA
Hành trình đưa trẻ lang thang hồi gia
Chủ Nhật, 01/07/2007 14:00 CH

Nhờ Dự án hỗ trợ trẻ em lang thang mà nhiều em ở các địa bàn trong tỉnh đã trở về quê nhà một cách an toàn, có công ăn việc làm ổn định sau thời gian dài lặn lội kiếm kế sinh nhai nơi đô thị...…

 

070629-VE-TRANH.jpg

Cuộc thi vẽ tranh Ước mơ và khát vọng của trẻ do Dự án hỗ trợ trẻ em lang thang tổ chức thu hút đông trẻ em tham dự - Ảnh: K.C

 

NHỮNG ĐỨA TRẺ TRỞ VỀ

 

Sau bao tháng ngày lặn lội nơi đất khách quê người để bán vé số, cuối cùng em Phạm Chí Tân ở xã Hoà An (huyện Phú Hòa) cũng đã về được quê nhà nhờ có sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ trẻ em lang thang tỉnh Phú Yên. Ngồi trước sân nhà ở thôn Đông Bình, vạch áo cho tôi xem vết sẹo do bị đâm tại Đắc Lắc khi đang đi đánh giày cách đây 3 năm, Tân kể: “Lúc đó, em đang mời khách đánh giày. Bọn chúng khoảng 3 đứa cũng tới mời, nhưng khách đưa cho em đánh. Vừa rời quán chừng vài bước, em bị bọn chúng chặn lại rồi đánh tới tấp. Em bỏ chạy liền bị chúng chạy theo đâm vào lưng”.

 

Nhà Tân nghèo lắm, bố làm thợ hồ, mẹ thì bán cá ở chợ. Em muốn tự lập, kiếm tiền giúp đỡ gia đình nên cùng bạn bè lên Đắc Lắc bán vé số. Ngày đi bán, trưa ăn cơm bụi, tối ngủ vỉa hè, bữa nào có nhiều tiền thì ngủ ở nhà trọ. Nhờ có dự án hỗ trợ mà em đã về nhà, được đi học nghề sửa chữa xe máy. Tân nói: Em sẽ ráng học để có cái nghề vững vàng, lớn lên giúp bố mẹ và lo cho bản thân mình.

 

Không ít trẻ em ở tỉnh Phú Yên vì miếng cơm manh áo mà rời quê nhà đi tứ xứ để mưu sinh, và cũng không ít em bị chủ đánh đập, quỵt tiền, bị người ta giật vé số… Cũng có em, thấy gia cảnh khó khăn nên nghe theo lời bạn bè bỏ nhà đi làm việc để kiếm cơm, như  Trần Quốc Phú ở thôn Phú Khánh, xã Hoà Tân Tây. Mới 8 tuổi, cậu bé đã bỏ nhà đi vào TP Hồ Chí Minh bán vé số dạo kiếm sống. Sau bao nỗ lực của gia đình nhưng không thành, nhờ có sự giúp đỡ của dự án, em đã về quê, được hỗ trợ học phí, lại được cắp sách đến trường như  các bạn đồng trang lứa.

 

Anh Nguyễn Thành Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Quang Bắc (huyện Phú Hoà) cho biết: Lúc đầu tiếp nhận dự án, chúng tôi lo lắng bởi trước đó, xã cũng có chủ trương, triển khai nhiều mô hình xoá đói giảm nghèo, nhưng số hộ nghèo vẫn nhiều. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ nhà đi lang thang vào các đô thị kiếm sống. Những năm trước xã có gần 100 em lang thang, sau đó bà con vận động đưa về được một số, đến khi dự án điều tra còn 31 em. Bây giờ thì các em đã về nhà an toàn, đoàn tụ với gia đình, chăm lo sản xuất.

 

“EM KHÔNG MUỐN LANG THANG”

 

Tại 8 xã Hoà Quang Bắc, Hoà Định Đông, Hoà Trị, Hoà An (huyện Phú Hoà), Hoà Tân Tây, Hoà Đồng (huyện Tây Hoà), Hoà Hiệp Trung, Hoà Xuân Tây (huyện Đông Hoà) có 216 trẻ em lang thang và 802 trẻ có nguy cơ lang thang. Kết quả triển khai dự án, đã có 204/206 em hồi gia bền vững. Với tổng kinh phí hơn 4 tỉ đồng, dự án đã hỗ trợ về giáo dục cho 537 học sinh, với 702 bộ quần áo, 16.748 quyển vở, 715 bộ đồng phục, 100% học phí. 805 em được mua bảo hiểm thân thể; 123 trẻ được học nghề, 564 hộ được hỗ trợ gần 3 tỉ để chăn nuôi. Bên cạnh đó, dự án cũng đã hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, hoạt động truyền thông…

Tay dắt con bò mà dự án hỗ trợ cho gia đình, em Bích Hằng ở thôn Hội Cư xã Hoà Tân Tây (huyện Tây Hoà) cười tủm tỉm khi gặp chúng tôi. Sau mấy tháng học nghề may do dự án hỗ trợ, bây giờ em đã ra nghề và được cô giáo nhận may tại nhà, lúc rảnh rỗi lại giúp cha mẹ chăn bò. Em tâm sự: “Lang thang, em sợ lắm. Tuy cũng có vài chục ngàn đồng mỗi ngày nhưng nghĩ tới cảnh bị cướp vé số, bị chủ đánh, đi bộ cả ngày, em lại thấy sợ!”. Còn em Huỳnh Tấn Hoà ở thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hoà Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cũng “ớn” cảnh phải đi bán vé số đêm hôm. “Bây giờ được về nhà, có con bò dự án hỗ trợ, vừa chăn bò vừa hái củi cũng được rồi. Em không muốn lang thang nữa” - Hoà nói.

 

Qua 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã hỗ trợ từ vốn sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật làm ăn, hỗ trợ học nghề, chăm sóc sức khoẻ cho đến các hoạt động vui chơi như tổ chức cho các em thi vẽ tranh, vui tết Trung thu…, đưa các em về với môi trường tuổi thơ hồn nhiên. Nhiều hộ gia đình có được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhờ dự án... Anh Võ Văn Binh, điều phối viên dự án cho biết: Chính quyền địa phương đã thực sự quan tâm, chú trọng đến công tác ngăn ngừa trẻ lang thang, lồng ghép vào hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể. Đội ngũ cán bộ dự án đã được đào tạo, tập huấn, nắm vững nguyên tắc tiếp cận trẻ nên được nhiều gia đình đồng tình ủng hộ. Họ đã vận động trẻ hồi gia với sự tham gia của người dân, đưa ra nội dung hoạt động và tổ chức triển khai hoạt động đó. Đây là một phương pháp tiếp cận có nhiều ưu điểm, phù hợp và đáp ứng những nhu cầu cần thiết của người dân. Mỗi xã đều có cán sự xã hội, tình nguyện viên cùng ăn cùng ở cùng làm với gia đình có trẻ lang thang để vận động. Ngoài ra, các xã đều đưa tiêu chí không có trẻ em lang thang vào nội dung xây dựng gia đình văn hoá, thôn văn hoá, xã văn hoá. Chính vì thế dự án mới đạt kết quả tốt như vậy.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek