Ngày 1/6/2004, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ&TE có Quyết định số 03/2004/QĐ-DSGĐTE về việc ban hành hướng dẫn tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em (XPPHTE) bao gồm 4 tiêu chuẩn, 28 chỉ tiêu, tập trung vào môi trường hình thành nhân cách, tình cảm, thể chất và trí tuệ tài năng của trẻ em là: gia đình, nhà trường và xã hội.
Tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng - một trong những chỉ tiêu trong xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em - Ảnh: T.THỦY
Phấn đấu đạt tiêu chuẩn XPPHTE là mục tiêu, nhiệm vụ của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể nhằm xây dựng một môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em được thực hiện quyền, bổn phận và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em Phú Yên Phan Hữu Đại, ngày càng có nhiều trẻ em trong tỉnh được chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, được đi học, tham gia các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí; được tiếp cận nhiều nguồn thông tin đa dạng, phong phú thông qua sách báo, phát thanh, truyền hình; được bảo vệ trước nguy cơ lạm dụng, xúc phạm, bóc lột và xâm hại. Tuy nhiên, trẻ em suy dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng nghèo còn nhiều. Nhiều trẻ bị khuyết tật, là nạn nhân của chất độc chiến tranh chưa được phục hồi chức năng và hỗ trợ để có cuộc sống hoà nhập cộng đồng. Hàng loạt sách báo, băng đĩa, đồ chơi, trò chơi thiếu tính giáo dục, bạo lực và độc hại đang len lỏi, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, tình cảm và đạo đức của trẻ em. Những nguy cơ trên ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, đến trật tự an toàn xã hội, truyền thống văn hoá của dân tộc và thuần phong mỹ tục của mỗi gia đình, cộng đồng.
Qua phân tích từ thực tế và một số ý kiến tại hội thảo “XPPHTE - Thực trạng và giải pháp” vừa tổ chức mới đây, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa thấy hết tính cấp bách của tình hình trẻ em, chưa nhận thức đầy đủ vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phần lớn ý kiến cho rằng, ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ trương xây dựng XPPHTE chưa được nhận thức đầy đủ; công tác chỉ đạo chưa chặt chẽ; quyết tâm chưa cao. Quá trình triển khai xây dựng XPPHTE chưa đồng bộ, biện pháp chưa tốt, chậm hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Một số địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hoá các tiêu chuẩn được ban hành cho phù hợp thực tế của địa phương, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chưa chặt chẽ nên không nắm chắc tình hình để có biện pháp xử lý kịp thời. Công tác tuyên truyền XPPHTE chưa được quan tâm thích đáng.
Triển khai từ năm 2003, đến nay toàn tỉnh có 44 xã, phường, thị trấn tham gia phong trào xây dựng XPPHTE. Phần lớn các xã đạt được 25 chỉ tiêu. 3 chỉ tiêu còn lại (gồm trường chuẩn quốc gia, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và khu vui chơi giải trí trẻ em) các xã thường không đạt. Để đạt được 28 chỉ tiêu trong 4 tiêu chuẩn (môi trường xã hội phù hợp với trẻ em, môi trường gia đình và đảm bảo cho trẻ em phát triển toàn diện, mọi trẻ em đều được hưởng các quyền cơ bản, bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt) không phải là điều dễ dàng. Các xã, phường được công nhận XPPHTE đều có sự quan tâm của lãnh đạo cơ sở như Đức Bình Tây (Sông Hinh), An Dân (Tuy An), Hòa Quang
Các giải pháp quan trọng được đưa ra tại hội thảo về việc xây dựng XPPHTE thời gian tới là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở. Với vai trò của mình, cấp ủy Đảng và chính quyền cần quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nắm chắc tình hình trẻ em và các vấn đề bức xúc về trẻ em ở địa phương, tập trung lãnh đạo giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng XPPHTE; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Ban Dân số - Gia đình - Trẻ em cùng cấp đối với công tác này. Bên cạnh đó, cần tập trung tăng cường công tác tuyền thông, vận động xã hội với nội dung và hình thức phù hợp; phát triển phong trào toàn dân bảo vệ và chăm sóc trẻ em; xây dựng các tổ chức và cơ chế nhằm tạo điều kiện để trẻ nói lên ý kiến của mình trong mọi lĩnh vực; tổ chức xây dựng XPPHTE cần được gắn chặt với việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001-2010.
VŨ HOÀNG