Từ chỗ thiếu ăn, đời sống còn nhiều khó khăn, nhờ chuyển sang trồng lúa nước mà bà con ở hai buôn Mả Vôi, Quang Dù, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) đã đẩy lùi được cái nghèo, kinh tế dần được cải thiện.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định, địa phương hiện có hơn 1.500ha lúa nước. Chủ trương của Đảng bộ huyện là làm sao mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số phải có một vài sào lúa nước để bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ. Do đó, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi nhỏ, phát triển nhanh diện tích lúa nước trên địa bàn. |
Sau thủy điện Sông Ba Hạ, Nhà nước đầu tư xây dựng một công trình thủy lợi đủ cung cấp nước tưới cho gần 50ha lúa hai vụ của người dân hai buôn Quang Dù và Mả Vôi. Già làng Y Quở, buôn Mả Vôi, cho biết: “Gia đình tôi có năm nhân khẩu, được chia 3,5 sào đất lúa, mỗi vụ thu được 25 đến 30 bao lúa (gần một tấn)”. Ông Lê Mô Y Đênh ở buôn Quang Dù, phấn khởi cho hay, có ruộng lúa là có cái ăn tại chỗ, bà con yên tâm đầu tư phát triển các loại cây trồng khác. Hiện nay, hộ ít nhất cũng có từ 3 đến 5 sào đất, nhiều thì từ 5 đến 10ha trồng mía, sắn và hoa màu. Nếu chăm chỉ làm ăn thì đời sống gia đình được cải thiện đáng kể.
Nhờ có cây lúa nước, người dân yên tâm sản xuất nên đến nay bình quân thu nhập đầu người ở buôn Mả Vôi, Quang Dù đạt từ 6 đến 8 triệu đồng/vụ lúa; mỗi nhân khẩu đến tuổi lao động có mức thu nhập trung bình hơn 500.000 đồng/tháng. Số hộ nghèo trong buôn theo đó đã giảm đi một nửa so với 5 năm trước đây (tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 4 đến 5% năm).
Theo UBND huyện Sông Hinh, để giúp bà con thay đổi cung cách làm ăn, địa phương đã lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu; mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho bà con, đưa lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở hướng dẫn trực tiếp đến từng hộ. Thời gian đầu, khi cán bộ vận động trồng lúa nước, nhiều người cứ sợ khó khăn, không làm được. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mọi người đều cảm thấy lúa nước rất dễ làm. Sau đó, nhiều hộ còn tự khai hoang, đắp đập, tận dụng khe suối lấy nước, mở rộng diện tích lúa nước hai vụ trong năm. “Ngay như già đây, cả đời chưa bao giờ trồng lúa nước mà nay cũng làm được. Ruộng thì có sẵn, giống lúa đã được cấp, nước cũng được đưa về, công việc còn lại của bà con trở nên vô cùng đơn giản”, già làng Y Quở hồ hởi nói.
Tuy nhiên, do điều kiện địa hình miền núi, vùng cao, những công trình thủy lợi như đập dâng tự chảy, trạm bơm thường không lớn, mỗi đập dâng chỉ tưới được cho một số diện tích nhất định ở gần đập sau khi chuyển từ đất rẫy thành đất ruộng. Do đó, nhiều hộ vẫn chưa có điều kiện làm lúa nước. Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Trần Thanh Định cho biết: “Sau khi xây đập nước, những hộ có đất ở gần đập được cải tạo thành ruộng nên họ có đến vài ha ruộng. Trong khi những hộ có đất rẫy ở xa đập thì không có ruộng. Trước thực tế này, huyện đã thực hiện chủ trương đổi đất rẫy lấy đất ruộng, qua đó chia đều ruộng lúa nước cho bà con”.
Nhờ cây lúa nước, đời sống của người dân vùng đồng bào ở hai thôn Mả Vôi và Quang Dù đã thực sự đổi thay. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con luôn luôn mở lễ hội ăn mừng và cúng Thần lúa; vì theo quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số, Thần lúa đã đem đến sự đầm ấm, hạnh phúc cho buôn làng.
KIM CHI - VĂN TRÌNH