Thực hiện Quyết định 1758 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án 500, mới đây, Sở Nội vụ đã tổ chức trao quyết định của UBND tỉnh phân công công tác cho 30 trí thức trẻ ưu tú về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội để các bạn trẻ góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các xã nông thôn, miền núi.
TĂNG CƯỜNG NGUỒN NHÂN LỰC
Ngày 30/9/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1758 phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (gọi là Đề án 500). Đề án 500 thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú trên toàn quốc có trình độ đại học tăng cường về các xã thuộc vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn để bố trí vào các chức danh công chức cấp xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời thông qua hoạt động thực tiễn để đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ cho địa phương.
Theo đó, Hội đồng tuyển chọn trí thức trẻ Đề án 500 của tỉnh tổ chức hội nghị phỏng vấn tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020. Tổng cộng có 282 ứng viên tham gia phỏng vấn, nội dung tập trung vào các lĩnh vực: Tài chính - Kế toán, Xây dựng - Môi trường, Địa chính - Nông nghiệp, Văn phòng - Thống kê, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa - Xã hội. Kết quả, Phú Yên có 30 trí thức trẻ được tuyển chọn. Sau đó, 30 người này được tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng công tác dành cho đội viên Đề án 500 khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Bộ Nội vụ tổ chức.
Theo ông Hà Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Nội vụ, các trí thức trẻ tham gia dự án này được đào tạo bài bản, công khai minh bạch từ khâu phỏng vấn, tuyển chọn. Đồng thời được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác từ Bộ Nội vụ rất nghiêm ngặt. Trong 12 tuần, các ứng viên học tập trung 8 tuần và đi thực tế 4 tuần dưới sự kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ để có tinh thần mạnh dạn, tự tin và nắm chắc kiến thức. Đây là đề án cấp bộ nên có sự đầu tư và quyết tâm rất cao. Đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các xã nông thôn, miền núi. Còn theo ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, địa phương luôn chào đón các trí thức trẻ về giúp sức và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em làm quen, tiếp cận với công việc. Hy vọng với những kiến thức, kỹ năng được đào tạo, các trí thức trẻ sẽ tạo được những bước đột phá, tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội những vùng khó khăn trong thời gian đến.
CƠ HỘI CỐNG HIẾN CỦA TRÍ THỨC TRẺ
Tại buổi lễ trao quyết định bố trí công tác đối với các đội viên Đề án 500 của UBND tỉnh, mỗi đội viên một tâm trạng khác nhau nhưng ai cũng phấn khởi, mong muốn được cống hiến sức mình để góp phần xây dựng cuộc sống ở những vùng khó khăn phát triển. Hà Vũ Thi, công chức Tư pháp - Hộ tịch (xã Xuân Thọ 2, TX Sông Cầu), cho biết: “Được tham gia Đề án 500 là niềm tự hào, cơ hội lớn để em và các bạn đội viên được góp sức trẻ, sự sáng tạo cùng tinh thần tình nguyện xung kích cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Khi quyết định tham gia đề án này, em trăn trở và lo lắng nhưng khi được đào tạo, được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, em đã vững tin và sẵn sàng đối đầu với những thử thách phía trước để hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Còn theo Mai Ngọc Hải (xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh), lớp trưởng Lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng công tác dành cho đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020, khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Bộ Nội vụ tổ chức tại Phú Yên, tinh thần học tập của các bạn đội viên trong đề án rất cao, ai cũng muốn đem sức trẻ của mình để cống hiến cho quê hương. Được trang bị những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và được chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế, Hải tin mình có thể vận dụng tốt những điều đã tiếp thu vào công việc được giao…
Cũng theo ông Hồng, dự án đưa trí thức trẻ về địa phương góp phần tạo nguồn cán bộ, công chức có chất lượng nhằm kiện toàn, củng cố, xây dựng đội ngũ công chức cấp xã đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Sở Nội vụ đã chỉ đạo Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố có đội viên về công tác phải tạo điều kiện và động viên, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu các đội viên gặp khó khăn thì phải báo cáo với lãnh đạo huyện, tỉnh để giải quyết kịp thời.
Theo Quyết định 1098 của UBND tỉnh, 30 đội viên của Đề án 500 được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 5, Điều 1 Quyết định 1758 của Thủ tướng Chính phủ. Về tiền lương, được hưởng 100% bậc lương khởi điểm ngạch chuyên viên (mã số 01.003); đối với đội viên có trình độ đại học được hưởng lương bậc 1, hệ số 2,34, trình độ thạc sĩ được hưởng lương bậc 2, hệ số 2,67. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với đội viên Đề án 500 được bố trí từ ngân sách địa phương theo quy định tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính. UBND huyện, thị xã, thành phố có đội viên về công tác có trách nhiệm lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí để chi trả các chế độ, chính sách đối với đội viên Đề án 500. |
THÙY THẢO