Với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, Mặt trận và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, thời gian qua công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Một bộ phận hộ nghèo vươn lên thoát nghèo từ các mô hình giảm nghèo bền vững.
Theo Sở LĐ-TB-XH, trong giai đoạn 2011-2014, toàn tỉnh đã thực hiện 32 mô hình, gồm 11 mô hình trồng trọt và 21 mô hình chăn nuôi, với 494 hộ nghèo tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ là 5,5 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 3,5 tỉ đồng, ngân sách địa phương 2 tỉ đồng.
Qua kiểm tra thực tế tại địa phương, đến nay đã có nhiều dự án bước đầu đem lại hiệu quả như mô hình nuôi bò, trồng cao su, trồng mía… Trong 26 hộ chăn nuôi bò sinh sản được hỗ trợ từ năm 2010 đến nay đã phát triển thêm 18 bê con, nâng tổng đàn bò lên 44 con. Đối với dự án trồng mía, nhờ được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, lựa chọn giống có chất lượng, nên đã giúp hộ nghèo chăm sóc tốt và có hiệu quả, năng suất thu hoạch bình quân đã nâng lên từ 48-50 tấn/ha lên 75-80 tấn/ha, giúp mỗi hộ nghèo tham gia dự án sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư thu lãi hơn 30 triệu đồng/năm và đã có nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Lê Sỹ Tâm ở thôn 3, xã Đa Lộc thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng anh đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Năm 2011, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ gần 10 triệu đồng để mua bò giống về nuôi. Sẵn có đồng cỏ nên vợ chồng dốc sức chăn nuôi bò. Đến nay, sau 3 năm, vợ chồng anh Tâm đã có 2 con bò, 1 con bê. Anh Tâm nói: “Tôi 43 tuổi rồi, gia tài không có gì, chỉ có sức khỏe, quanh năm bám đất cũng chỉ đủ nuôi 6 miệng ăn, nay được Nhà nước hỗ trợ, có thêm những con bò, tôi mừng lắm”.
Còn tại huyện Sông Hinh, mô hình trồng xen canh cây cao su để giảm nghèo cũng mang lại hiệu quả tích cực. Ma Quan ở buôn Ken, xã Ea Bá phấn khởi cho biết: “Nhà tôi nghèo, đất đai thì có nhiều nhưng vốn không có, kỹ thuật trồng trọt thì làm theo thói quen, nên sản xuất không đạt hiệu quả, thu nhập bấp bênh. Nhà 6 người nhưng chỉ có 2 lao động chính nên không đủ ăn. Gia đình được huyện hỗ trợ 600 cây cao su giống, hướng dẫn cách trồng trọt, hỗ trợ phân bón nên rất yên tâm khi chọn cây trồng này”. Ma Linh ở buôn Thứ, xã Ea Bar thì cho biết: “Trước đây tôi có 1,4 sào đất trồng cà phê, nhưng thu hoạch bấp bênh. Được huyện hỗ trợ cây giống và phân bón ban đầu, tôi vay thêm từ nguồn vốn ưu đãi chuyển đổi sang trồng cây cao su. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, vườn cao su phát triển rất tốt. Thấy nhiều người trồng cao su cho thu nhập cao, hơn nữa được Nhà nước tạo vốn, hướng dẫn cách làm nên bây giờ ai cũng tập trung trồng cây cao su không còn phát rừng làm rẫy”.
Đánh giá hiệu quả những mô hình giảm nghèo bền vững, ông Võ Văn Binh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Trong 4 năm 2011-2014, toàn tỉnh có gần 33.000 hộ thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 19,46% đầu năm 2011 còn 9,73% vào cuối năm 2014. Ước đến cuối năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 9% (đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh). Có được kết quả này là nhờ các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đặc biệt là việc triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững cho bà con đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai tốt. Qua đó tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể.
KIM CHI