Đang yên đang lành, bỗng dưng hai đứa con của chị Võ Thị Vương ở thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) lần lượt bị chứng tâm thần phân liệt. Gần 1 năm nay, người đàn bà tuổi 50 này luôn trong tình trạng lo lắng, bất an.
HỌA VÔ ĐƠN CHÍ
Chồng bà Vương sau một thời gian rượu chè, đã bỏ nhà đi gần 10 năm nay không rõ lý do. Bà Vương một mình làm mướn, làm thuê nuôi 3 đứa con côi cút. Điều mà nhiều người nể phục là dẫu cuộc sống cơ cực đến đâu, bà cũng cố gắng cho các con ăn học. “Học để thoát khỏi cảnh nghèo”, bà Vương thổ lộ.
Tuy vậy, ước muốn ấy của bà bất ngờ sụp đổ khi năm nay lần lượt hai đứa con gái bị căn bệnh tâm thần phân liệt “gọi tên”. Thấy con đau đầu, ói mửa, nói xàm và có những hành vi bất thường, lòng bà Vương quặn đau. Thế là, bỏ hết việc làm thuê, thế chấp mấy sào ruộng, chạy vạy mượn trước, mượn sau, chị đưa con gái nhỏ vào Đồng Nai, đưa con gái lớn ra Bình Định trị bệnh. “Vào Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa chữa bệnh mấy tháng, bác sĩ nói tình trạng bệnh của bé Xinh giảm được 30%. Thương con xa nhà, ăn uống thất thường lại bị muỗi cắn nát mình, nên tôi đưa con về chăm sóc. Nhưng hễ hết thuốc là bệnh trở lại. Nhìn con ôm đầu la hét, đập phá mà tôi đau đớn”, bà Vương nói trong nước mắt.
Đầu năm 2014, con gái đầu Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 1997), đang học lớp 11 thì mắc bệnh. Vài tháng sau, em của Xuyến là Nguyễn Thị Thúy Xinh (SN 1998) cũng mắc bệnh giống chị, nhưng trầm trọng hơn. Mới lớp 9, Xinh phải bỏ học giữa chừng. Lúc tỉnh táo, Xuyến thỏ thẻ: “Nếu không bị bệnh thì nay em học lớp 12 rồi. Nghĩ đến cảnh phát bệnh đau đầu và làm những chuyện không kiểm soát được, em rất hoang mang. Trước đây vào dịp hè, mấy chị em cùng mẹ đi làm thuê kiếm tiền, nhưng nay chỉ mỗi mẹ gánh vác. Mẹ lại lo chăm tụi em nên cũng không làm được gì”. Trong ngôi nhà nhỏ ọp ẹp, đơn độc bên cầu Suối Mốc thuộc khu vực Lỗ Chài (thôn Ngọc Sơn Tây) có những buổi tối tiếng la hét của hai chị em xé màn đêm. Người mẹ thì run rẩy, khóc thương con. Bà Vương nói: “Con trai út đang học lớp 7 tuy chưa có biểu hiện bệnh như các chị, nhưng thỉnh thoảng kêu đau đầu làm tôi lo quá”.
Không dừng lại ở đó, mấy tháng trước bé Xinh ôm bụng kêu đau, bà đưa con đi siêu âm. Kết quả làm bà lặng người, khi biết con mình mắc thêm chứng u nang buồng trứng. “Đang bệnh tâm thần, không kiểm soát được hành vi, con gái lại thêm bệnh này nên khó mà mổ, chưa nói đến chuyện gia đình đang nợ nần chồng chất”, bà Vương than khóc.
CẦN SỰ SẺ CHIA
Khó khăn chồng chất, thân cò của chị vừa trông con, vừa tranh thủ đi làm thuê. Song, bệnh các con ngày càng nặng, bà như người mất hồn.
Mỗi tháng, chỉ tiền thuốc điều trị cho hai con đã tới 1 triệu đồng, nhưng phải gửi mua tận Đồng Nai. Thi thoảng bà đi xe ôm xuống Trạm chuyên khoa Tâm thần tỉnh xin nhận thuốc cho con. Nhưng thời gian qua, kinh phí cho chương trình này hạn hẹp, thuốc giảm nhiều so với các năm trước; nhiều loại thuốc không đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh của con bà. Qua một năm khổ nhọc với các con, sức lực cạn dần, bà khóc: “Tôi không còn sức để làm gì nữa. Tôi sợ mình lâm bệnh thì quá tội cho chúng”.
Ở nơi xa heo hút, bà cũng sắm chiếc điện thoại rẻ tiền để dễ bề liên hệ với bác sĩ, nhưng khi lên cơn, con bà đem đi nhúng nước, nên lúc nghe được lúc không. Nhà có chiếc mô tơ bơm nước với giá 5,5 triệu đồng, bà đã bán rẻ 200.000 đồng để lấy tiền xoay xở. Một chiếc tủ thờ nho nhỏ trong nhà gọi là tài sản, bà bảo cũng đã bán rồi. Mọi thứ trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Cứ nghĩ tới lúc bệnh con mình nặng hơn, cởi quần áo đi lang thang, bà Vương nhói lòng.
Lúa thu hoạch năm rồi, bà bán sạch. 4 sào ruộng là nguồn sống, bà cũng cho người ta thục (cầm) với giá 6 triệu đồng để chữa bệnh cho con. Giờ cả 4 miệng ăn, tiền thuốc thang chỉ trông chờ vào 15.000 đến 20.000 đồng/ngày từ công bóc vỏ hạt điều. Hai thẻ bảo hiểm y tế của con bà đã hết hạn, nhưng chưa được xét cấp lại. Mọi chi phí khám chữa bệnh lại đè nặng lên đôi vai người mẹ.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, cán bộ Dân số - Gia đình - Trẻ em xã Hòa Quang Bắc, cho biết: “Hoàn cảnh gia đình bà Vương rất bi đát. Chúng tôi cũng đã vận động, kêu gọi các ngành, đoàn thể quyên góp cho các con bà chữa bệnh, nhưng số tiền hỗ trợ đó như gió vào nhà trống. Mong các tổ chức, cá nhân hảo tâm tiếp tục giúp đỡ mẹ con chị Vương”.
Gia đình bà Vương rất cần sự chung tay của cộng đồng. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Võ Thị Vương, thôn Ngọc Sơn Tây, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, Số ĐT: 01628690710 hoặc Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo Phú Yên, 62 Lê Duẩn, TP Tuy Hòa, ĐT: 057.3842488.
VŨ HOÀNG