Địa bàn biên phòng tỉnh Phú Yên bao gồm 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển với 27 xã, phường, thị trấn; 129 thôn, khóm, khu phố. Đây là địa bàn có mật độ dân số đông, hơn 77.000 hộ với gần 300.000 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng, mua bán, chế biến thủy, hải sản.
Khu vực ven biển của tỉnh trong những năm gần đây kinh tế phát triển năng động, kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh, thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài. Qua đó đã giải quyết được nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Bên cạnh đó, đời sống của một bộ phận nhân dân ven biển còn gặp nhiều khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo còn tương đối cao so với bình quân chung; mặt bằng dân trí không đồng đều nên nhận thức về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự xã hội cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở cơ sở còn có những hạn chế nhất định. Một số yếu tố khác cũng đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế, xã hội khu vực ven biển của tỉnh.
Cùng với vận động thành lập hàng trăm tổ Tàu thuyền an toàn đã và đang phát huy hiệu quả tốt, đến nay, BĐBP tỉnh đã vận động, xây dựng 229 gia đình/dòng họ an toàn với hơn 4.000 người đăng ký và tích cực tham gia phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển và an ninh trật tự thôn, xóm”. Ngoài ra, BĐBP tỉnh còn xây dựng 74 thôn (khu phố), 1 chùa và 3 mô hình “Bến bãi tự quản” bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Chính những tổ tàu thuyền, gia đình/dòng họ, thôn (khu phố) an toàn và những bến bãi tự quản là “tai mắt”, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp BĐBP thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển đảo của Tổ quốc.
Đặc biệt, phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển và an ninh trật tự thôn, xóm” gắn kết với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện với nhiều mô hình khác nhau, tạo nên thế trận an ninh ở tuyến biển ngày càng vững chắc. Các gia đình/dòng họ an toàn quan tâm giáo dục, vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tránh xa các tệ nạn xã hội, giữ gìn đạo đức và truyền thống của gia đình/dòng họ. Đồng thời động viên con cháu tích cực học tập, nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống kinh tế của từng gia đình/dòng họ có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, những mâu thuẫn, vướng mắc giữa cá nhân, gia đình trong dòng họ được các cụ trong Hội đồng gia tộc phân tích, giảng giải thấu tình, đạt lý. Con cháu trong gia đình/dòng họ nếu có vi phạm đều tự giác cam kết sửa chữa khuyết điểm, lỗi lầm, hứa không tái phạm. Việc làm này đã giúp phát huy tinh thần, trách nhiệm của mỗi gia đình/dòng họ và giữa gia đình/dòng họ này với gia đình/dòng họ khác trong việc xây dựng gia đình văn hóa, thôn (khu phố) văn hóa, góp phần tích cực bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở địa bàn biên phòng.
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình/dòng họ an toàn là xã hội an toàn, an ninh chính trị được giữ vững, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Khu vực biên giới biển là tuyến đầu, cửa ngõ hướng ra biển Đông, nơi có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ, bảo vệ và xây dựng đất nước; có ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng và quan hệ đối ngoại. Bởi vậy cần xây dựng ngày càng nhiều gia đình/dòng họ an toàn hơn nữa.
LẠC VIỆT