Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang là vấn đề nóng mà cả nước quan tâm, trong đó có Phú Yên. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội.
MCBGTKS là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 bé gái (bình thường từ 103 đến 107 bé trai/100 bé gái). Sở dĩ cần quan tâm đến tỉ số giới tính khi sinh là vì nó có ý nghĩa quyết định đến tỉ số giới tính chung của dân số và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác như: kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội.
Trong những năm gần đây, tỉ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Theo số liệu điều tra biến động DS-KHHGĐ hàng năm, năm 2011, tỉ số này là 111,9 bé trai/100 bé gái; năm 2012 là 112,3 bé trai/bé gái; năm 2013 là 113,8 bé trai/100 bé gái và 6 tháng đầu năm 2014 là 114,3 bé trai/100 bé gái. Qua số liệu trên, chúng ta thấy rằng tình trạng MCBGTKS đang tăng. Điều đáng lưu ý ở đây là tình trạng này do có sự can thiệp của con người vào quá trình sinh sản tự nhiên. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, tình trạng này sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Hiện Phú Yên là một trong những tỉnh có tỉ số MCBGTKS đáng báo động. Tỉ số này liên tục tăng trong những năm gần đây. Tính đến 10 tháng đầu năm 2014, tỉ số này ở Phú Yên là trên 113 bé trai/100 bé gái. Theo số liệu điều tra về biến động DS-KHHGĐ năm 2011 của Tổng cục Thống kê thì MCBGTKS cao ngay từ lần sinh thứ nhất và rất cao ở lần sinh cuối. Tỉ số giới tính cũng xảy ra ở những gia đình giàu có và người mẹ có trình độ học vấn cao. Nếu như những gia đình nghèo, tỉ số này là 105,2 bé trai/100 bé gái, thì ở những gia đình giàu, tỉ số này là 111,7 bé trai/100 bé gái.
Nhiều yếu tố tác động đến tình trạng MCBGTKS. Có thể kể đến như bất bình đẳng giới (muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên), chế độ an sinh xã hội còn hạn chế, việc lựa chọn giới tính thai nhi chưa được quản lý tốt, chưa thực hiện tốt pháp luật liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, nhận thức của người dân còn hạn chế...
Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới. Nếu không có những giải pháp tích cực, quyết liệt ngay từ bây giờ thì sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường về mặt xã hội, an ninh chính trị. Đó là dư thừa nam giới, thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn, làm cho tan vỡ cấu trúc gia đình; số lượng và tỉ lệ nam giới không có khả năng kết hôn tăng, làm tăng bất bình đẳng giới, phụ nữ kết hôn sớm; tỉ lệ ly hôn, tái hôn cao...
Nhận thức được hệ lụy của vấn đề MCBGTKS ngay từ đầu năm 2013, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tham mưu Sở Y tế tổ chức hội nghị truyền thông cho 9 huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành, đoàn thể. Một số giải pháp mà ngành Dân số tập trung là tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xóa bỏ quan niệm cũ phải có con trai nối dõi tông đường. Chú trọng giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, bình đẳng giới cho vị thành niên, thanh niên và nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Đa dạng, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nói chung, chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ nói riêng cho mọi đối tượng, địa bàn. Tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh Dân số về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức…
BS VŨ NGỌC DỮNG
Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên