Kinh doanh phế liệu là nghề đem lại thu nhập cao cho một số người ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Tuy nhiên, nghề này đang gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống nhiều hộ dân nơi đây.
“PHẤT” NHỜ PHẾ LIỆU
Bãi chứa phế liệu được một chủ đại lý “quy hoạch” ngay trong khu vực dân cư, lấn chiếm lề đường Nguyễn Văn Linh, phường Phú Lâm. - Ảnh: Đ.N
Phường Phú Lâm có nhiều đại lý phế liệu với những bãi lớn chứa hàng trăm tấn “thập cẩm” gồm sắt, thép, nhôm, nhựa, lốp xe… Các đại lý này mua hàng của những người mua gom khắp các hang cùng ngõ hẻm, rồi thuê xe chở đi bán cho các nhà máy ở Đồng Nai, Bình Dương… Anh Lê Ngọc Mỹ, chủ đại lý phế liệu ở khu phố 3, phường Phú Lâm cho biết: “Trung bình một tháng tôi “đánh” hàng đi Đồng Nai 2 chuyến khoảng trên 10 tấn sắt phế liệu, thu về hơn 40 triệu đồng”. Tuy nhiên, theo anh Mỹ, để trở thành đại lý cần có vốn đầu tư ban đầu khá lớn, có mặt bằng để xây bãi chứa.
Theo giới kinh doanh phế liệu, lãi nhất là những món hàng từ ô tô, máy xúc, máy ủi vì khi mua những thứ này, giá được tính theo giá sắt phế liệu, nhưng khi bán thì được phân loại và tính theo từng con ốc, chưa kể những phụ kiện còn tốt sẽ được bán với giá cao hơn. Chủ đại lý phế liệu Lê Nam ở đường Lạc Long Quân, phường Phú Lâm cho rằng nghề buôn bán phế liệu cũng đang chịu sức ép cạnh tranh lớn, chỉ tính riêng trên địa bàn phường Phú Lâm hiện có đến 10 đại lý hoạt động. Để có đủ lượng hàng, nhiều đại lý phải đưa ra “chính sách ưu đãi” lực lượng đi mua gom như cho ứng trước vốn, chi hoa hồng nếu gom được lượng hàng lớn.
GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Nghề mua bán phế liệu mang lại chén cơm manh áo cho một số người, và đã có những người giàu lên. Song điều đáng bàn là hầu hết các bãi chứa phế liệu đều nằm trong khu vực dân cư. Mùi hôi khó chịu của nhựa, của sắt gỉ và của lông gà, lông vịt gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân. Chưa kể đến hàng núi phế liệu không được che chắn ở các bãi chứa, khi mưa xuống, chất thải độc hại ngấm vào lòng đất. Phế liệu tồn không bán được, người ta mang ra đốt hoặc chôn, gây ô nhiễm rất lớn. Ông Lê Hạnh ở khu phố 2, phường Phú Lâm bức xúc nói: “Các đại lý rất thiếu ý thức trong việc bảo quản phế liệu, có lúc lấn chiếm cả đường đi gây mất an toàn giao thông. Chúng tôi đã nhiều lần gởi đơn lên phường nhưng chẳng thấy động tĩnh gì. Chẳng lẽ bà con trong khu vực phải chịu cảnh sống chung với phế liệu mãi hay sao?”.
ĐĂNG NGUYÊN