Trong những năm qua, cùng với các cấp, các ngành, Hội LHPN tỉnh Phú Yên luôn quan tâm chăm lo cuộc sống của phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, cuộc sống vật chất, tinh thần của chị em ở miền núi, vùng sâu vùng xa từng bước được cải thiện.
Phụ nữ xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) tìm hiểu kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn - Ảnh: T.VĂN |
NÂNG CAO NHẬN THỨC
Toàn tỉnh hiện có 31 dân tộc thiểu số (DTTS) với 53.324 người và 12.039 hộ, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có 7.349 hội viên phụ nữ DTTS (1.322 hội viên nòng cốt). Đồng bào DTTS chủ yếu di cư từ các vùng miền khác nhau đến định cư sinh sống xen kẽ với đồng bào người Kinh, tập trung chủ yếu ở 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân. Cuộc sống của bà con nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng gặp không ít khó khăn do trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, khả năng nắm bắt thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế.
Trong những năm qua, cùng với các cấp, các ngành, các cấp Hội LHPN Phú Yên không ngừng nỗ lực, quan tâm chăm lo đời sống cho phụ nữ DTTS. Tuy nhiên, việc thu hút hội viên phụ nữ đồng bào DTTS đến với tổ chức hội chưa nhiều; tổ chức hội cơ sở chưa mạnh, chưa đồng đều so với hoạt động phong trào hội trong tỉnh; kiến thức, kỹ năng vận động của đội ngũ cán bộ hội còn hạn chế. Trong khi đó, công tác vận động phụ nữ DTTS là nhiệm vụ quan trọng được Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề ra trong Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI.
Để chủ động, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình cuộc sống của phụ nữ DTTS, hội đã xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là người DTTS tại chỗ; đặc biệt tranh thủ lực lượng già làng, trưởng thôn, buôn, lực lượng hội viên nòng cốt để giúp chị em DTTS tại địa phương hiểu và tự giác thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, thông qua cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch” (Gia đình không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) và phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các cấp hội đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống của chị em.
Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Minh Phương cho biết: Để cuộc vận động mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp hội đã cụ thể 8 tiêu chí trong xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch” phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội vùng đồng bào DTTS phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác vận động phụ nữ DTTS thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, khám chữa bệnh cho đồng bào vùng sâu vùng xa; vận động phụ nữ DTTS thực hiện đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi và tuyên truyền vận động các gia đình có con bỏ học trở lại lớp. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, các cấp hội đã góp phần nâng cao nhận thức cho chị em đồng bào DTTS ở các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, các kiến thức về giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững… Đến nay đã có 4.214 hội viên, phụ nữ (chiếm 70% hội viên dân tộc) được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”.
TÍCH CỰC XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO
Song song với công tác tuyên truyền, hàng năm các cấp hội còn thống kê, rà soát phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo DTTS làm chủ hộ để có hướng giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình. Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, các cấp hội có những cách làm hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện các đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015” và “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”. Bên cạnh xây dựng các mô hình phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, hội LHPN các cấp còn đứng ra khai thác và tín chấp cho phụ nữ DTTS vay vốn từ các ngân hàng, với tổng dư nợ trên 89 tỉ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt… Đồng thời, hội còn phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn chị em cách thức làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi vật nuôi cây trồng, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống tạo việc làm tại chỗ cho chị em.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh KSor H’DjRin tâm sự: Để nâng cao cuộc sống kinh tế cho phụ nữ DTTS, ngoài việc tạo điều kiện để chị em vay vốn làm ăn, các cấp hội LHPN huyện Sông Hinh còn tích cực tuyên truyền giúp chị em chuyển đổi tập quán canh tác lạc hậu sang phương pháp kỹ thuật mới theo kiểu “cầm tay chỉ việc”; đồng thời, nhân rộng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng... Đa số chị em người đồng bào chưa biết tiếng Kinh, nhận thức còn hạn chế nên cán bộ hội phải kiên trì, nhẫn nại, tận tình khi tuyên truyền và gương mẫu thực hiện trước, chị em mới hiểu, mới tin và làm theo.
Nói về cuộc sống của bà con trong buôn làng, mí Thủy ở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) phấn khởi nói: “Bây giờ, đời sống bà con ở đây đổi thay nhiều rồi. Không còn đói khổ như trước nữa, chị em ở đây ai cũng vui cái bụng vì con cái được đi học. Chị em nào khó khăn thì được Nhà nước, được hội phụ nữ xét cho vay vốn nuôi bò, trồng cây mía, cây sắn… để nuôi con cái, xây nhà cửa, mừng lắm!”.
THỦY VĂN