Ngày trước, việc đưa sản phụ đi sinh gần như được “mặc định” cho các bà, các mẹ, còn những người chồng, nhiều lắm cũng chỉ tạt qua để thăm vợ, nhìn mặt con. Ngày nay, tâm lý này không còn trong những người đàn ông, nhiều người chồng trẻ đã “xông pha” vào công việc này. Vì lần đầu làm cha, lần đầu chăm sóc vợ đẻ nên họ hoàn toàn lạ lẫm đến lóng ngóng, còn những người xung quanh nhìn thấy họ là... không nhịn được cười!
TUNG TĂNG DẮT VỢ ĐI ĐẺ
Những tháng cuối năm 2013 (âm lịch), phòng chờ sinh của Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên lúc nào cũng chật ních người. Người này vừa sinh xong là ngay lập tức có người khác đến thay chỗ. Rất ngẫu nhiên, những cặp vợ chồng đến khoa sản trong thời gian này đều là người trẻ, sinh con đầu lòng. Có lẽ vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên có bao nhiêu cảm xúc lo sợ, hồi hộp, căng thẳng đến vô tư họ đều bộc lộ ra ngoài.
Anh Danh và chị Hoàng (ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh. Đến gần ngày sinh nở, hai vợ chồng về quê, vào bệnh viện để bác sĩ theo dõi. Thế nhưng, cả tuần lễ rồi mà chẳng thấy động tĩnh gì. Anh Danh lần đầu chuẩn bị làm cha, thấy vợ lâu sinh thì lo sốt vó, ai bảo gì cũng làm theo. Nghe nhiều người bảo sản phụ đi bộ nhiều sẽ sinh nhanh nên sáng, trưa, chiều anh chăm chỉ dắt vợ đi vòng vòng khắp bệnh viện. Có người nói phải tiêm thuốc giục sinh mới sinh nhanh được, vậy là hai vợ chồng lại lén dắt nhau tìm bác sĩ tư tiêm thuốc. Ấy vậy mà chị Hoàng vẫn cứ như không.
Về sau, vì huyết áp của chị Hoàng không ổn định nên bác sĩ chỉ định sinh mổ. Vợ mới sinh ngày hôm trước, hôm sau đã thấy anh Danh bế con sang phòng sinh thường khoe với các mẹ cùng nằm chung phòng chờ sinh. Bé gái của anh nặng 4kg, tròn trĩnh, dễ thương. Ai cũng bảo, con so mà bụ bẫm như vậy thì khó sinh cũng phải.
Cùng bám trụ ở phòng chờ sinh cả tuần lễ nhưng anh Định và chị Luyến (huyện Đồng Xuân) cứ ríu rít như đôi chim cu, khiến nhiều người lớn tuổi ở xung quanh phải phì cười vì “tụi nó đi đẻ lạ quá!”. Đến ngày dự sinh, chị Luyến nhập viện để tiện theo dõi. Hai vợ chồng thống nhất là chăm nhau, đợi khi nào chuyển dạ thì nhờ gia đình hai bên. Ấy vậy mà một tuần lễ trôi qua vẫn chẳng thấy gì. Người khỏe mạnh mà ngồi một chỗ cũng chán, hai vợ chồng dắt nhau đi dạo biển, đi siêu thị, thi thoảng lại thấy chị vợ đi gội đầu, mát xa. Họ ríu rít cười nói cả ngày, đêm thì nằm chung một giường thầm thì, rủ rỉ suốt. Anh Định là người vui tính. Anh nói vợ cứ yên tâm, ăn hết tiền bán sào mía rồi đẻ cũng được. Lỡ mà có thiếu thì ta bán thêm sào nữa cũng chẳng sao. Sự hiện diện của cặp vợ chồng này giúp nhiều người khác bớt căng thẳng. Có chị đợi đến ngày thứ 3 chưa đẻ thì được chị Luyến trấn an: “Tui đây đợi cả tuần mà chưa nhằm nhò gì, bà mới có mấy ngày mà rên rỉ gì”.
Tôi cũng sinh con đầu lòng và được chồng đưa đi đẻ. Cũng phải nằm đợi ở phòng chờ sinh khá lâu nên chứng kiến được nhiều cảnh vui vui của những ông chồng, trong đó có đấng lang quân của mình. Sau khi sinh con và ra viện, tôi cũng muốn lại phòng chờ xem thử chị kia đẻ chưa nhưng vì người còn yếu nên ra xe về thẳng nhà.
CHĂM VỢ CON SÀNH ĐIỆU
Phải đợi vợ sinh chắc cũng là cực hình với các đấng mày râu. Bởi, phòng chờ sinh thì toàn bà bầu; mà kế phòng chờ là phòng sinh với tiếng la hét phát ra liên tục cả ngày lẫn đêm. Ở đâu cũng thấy cảnh người vợ hoặc ôm chồng hoặc ôm thành giường gào thét. Có anh còn nói “đau thế này thì đẻ một đứa rồi thôi”. Nói thì nói vậy, nhưng các ông chồng vẫn bám trụ bên vợ tới cùng. Rồi khi bồng đứa con trên tay, thiên chức làm cha trỗi dậy, những người đàn ông thô kệch bỗng chốc trở thành những người khéo léo trong sự vụng về, chăm sóc vợ sinh, con đỏ cũng chu đáo tầm tầm… một nửa các cụ ngày xưa.
Túc trực bên vợ mấy ngày chờ sinh, cũng mệt mỏi, nhưng sau khi vợ sinh, dù đã có ông bà hai bên, anh Danh vẫn không ngủ được. Cảm giác mình có một đứa con vừa lạ lẫm, vừa thích thú. Ban đêm, anh nằm gần giường vợ để thay tã cho con, pha sữa cho con. Con ú ớ một chút là anh dậy dụi dụi mắt rồi khều khều vào chân vợ đang ngủ say để đánh thức vợ dậy cho con bú.
Trong mấy ngày ở bệnh viện, chị Hoàng thấy chồng thay đổi thật nhiều. “Chồng mình được cái là ngủ rất tốt. Có thể không ăn nhưng ngủ khuya một chút, dậy sớm một chút hay bỏ giấc trưa là người như mất hồn. Vậy mà sinh con rồi chẳng thấy anh ngủ gì. Ban đêm hễ con trở giấc là anh dậy, còn ban ngày lo cơm nước, áo quần, tã lót, chẳng nghe nói gì đến ngủ trưa, ngủ sớm” - chị Hoàng bộc bạch.
Còn vợ chồng anh Dương (ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chị Hảo (ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) lúc nào cũng thấy xoắn xít với con. Lấy vợ không cùng quê nên sau khi vợ sinh con, anh Dương mới có mặt. Như để bù đắp lại, tranh thủ mấy ngày ngắn ngủi, ban đêm anh phụ vợ chăm con, ban ngày nấu cơm mang vào cho vợ. Nghe người lớn bày, anh tự đi chợ nấu nào là móng heo rau răm, đu đủ hầm chân giò, cá diếc nấu canh mẳn… để vợ ăn và có sữa cho con bú. Rồi những quần áo, tã lót trong bệnh viện được anh mang về nhà giặt giũ, phơi phóng thơm tho. Nghe người xung quanh khen chồng, chị Hảo chỉ tấm tắc: “Mới sinh được vài ngày mà nhìn mặt anh hốc hác đi thấy rõ. Tôi hỏi ảnh có mệt không thì ảnh bảo không mệt tí nào. Ở với vợ con được mấy ngày, có mệt bao nhiêu đâu”.
Những người lần đầu làm cha có thể hơi vụng về khi chăm sóc các thiên thần nhỏ, nhưng họ rất sẵn sàng “xông pha” cùng vợ trong hành trình vượt cạn và chăm con. Phòng hậu sản luôn luôn có sự hiện diện của những ông bố trẻ cùng vợ, con bắt đầu những chuỗi ngày ý nghĩa.
THÁI HÀ