“Năm nào chúng tôi cũng tổ chức vài chuyến đi. Khi thì lên vùng cao, lúc lại về với bà con nghèo ven biển. Giúp bà con được chừng nào, chúng tôi mừng chừng ấy. Thế mà những gì làm được vẫn ít quá. Bà con mình nhiều nơi còn khó khăn lắm”. Cùng các chiến sĩ quân y biên phòng về làng biển An Ninh Đông mới đây, tôi đã nghe y sĩ Võ Hữu Tùng Nguyễn, Chủ nhiệm Quân y Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Phú Yên, trăn trở như thế.
Y sĩ Phạm Hữu Tường, quân y Đồn 346, khám bệnh cho trẻ em xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu - Ảnh: C.T.V
Mới đầu buổi sáng nhưng trạm y tế An Ninh Đông (huyện Tuy An) đã xôn xao, đông chật các cụ già ngồi đợi. Đúng hẹn, đoàn công tác quân y của BĐBP có mặt. Các bàn khám được triển khai nhanh và những thầy thuốc quân y biên phòng bắt tay ngay vào khám bệnh, cấp thuốc cho bà con. Ngồi bên cạnh tôi để chờ đến lượt nhận thuốc, cụ bà Đỗ Thị Dày, 68 tuổi, ở thôn Phú Hội run run nói: “Lâu lắm, bữa nay tui mới nghe có bộ đội về khám bệnh cho thuốc, mừng quá”. Di chứng của tai biến mạch máu não làm cho giọng nói của cụ không còn rõ ràng. Thế mà, vui quá, cụ cứ muốn nói. Cụ bảo rằng: bị tai biến từ trước tết nhưng nhà khó quá, sau lần đi bệnh viện điều trị qua cơn nguy kịch về, cụ chưa được đi khám lại lần nào… Còn vợ của một người đàn ông bị di chứng sau tai biến cao huyết áp cũng nhanh nhảu kể: “Bảo đi khám bệnh ở đâu ổng cũng không chịu, vậy mà nghe có mấy bác sĩ bộ đội về khám, ổng giục đưa đi ngay”. Những lời giải thích ân cần, chu đáo của các thầy thuốc biên phòng làm cho bà con thấy yên tâm nên giảm bớt lo lắng, căng thẳng về bệnh trạng. “Những gói thuốc có thể không lớn nhưng nghĩa tình đáng quý lắm” - ông Nguyễn Mạnh, phụ trách công tác Thương binh - Xã hội xã An Ninh Đông nói với tôi. Ông cũng cho biết: “Bà con được mời đến khám bệnh cấp thuốc là người già hoặc có hoàn cảnh rất khó khăn. Lâu nay, nhiều người có bệnh nhưng phần lo sợ, phần không có tiền, họ không dám đi khám. Sáng nay, những người được mời đều đến đông đủ”.
Công việc khám bệnh cấp phát thuốc cho những người nghèo kết thúc vào cuối buổi sáng. Các thầy thuốc biên phòng lại bắt tay vào chuẩn bị cho hoạt động truyền thông về sức khỏe trong buổi chiều. Thoáng chốc, hội trường của Ủy ban xã An Ninh Đông rộn ràng trong tiếng nhạc. Những giọng hát của thanh niên, phụ nữ xen trong tiếng hát người lính. Sau phần truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, phòng lây nhiễm HIV/AIDS là chương trình giao lưu hái hoa dân chủ. Những câu hỏi với phần trả lời ngắn gọn nhưng chứa nhiều nội dung, thông tin bổ ích cho người dân. Anh Nguyễn Thanh Toàn, giáo viên Trường Tiểu học An Ninh Đông, thổ lộ: “Tôi nghĩ: các vấn đề như chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, phòng lây nhiễm HIV/AIDS, phòng và chữa bệnh theo mùa không phải là mới, nhưng nghe thêm một lần thì nhớ kỹ hơn. Điều đó sẽ tác động dần đến ý thức bảo vệ sức khỏe của bà con”. Y sĩ Võ Hữu Tùng Nguyễn cho biết: Kinh nghiệm nhiều chuyến đi cho thấy, chương trình được tổ chức lồng ghép với giao lưu văn hóa văn nghệ sẽ thu hút mọi người hơn. Hai năm qua, truyền thông ở đâu anh em cũng làm như thế nên đạt được kết quả như mong muốn. Mọi người ủng hộ và tham gia giao lưu sôi nổi với đoàn từ đầu đến cuối. Vui mừng hơn là nhận thức của bà con ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Thượng tá Lê Phi Hoàn, Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật BĐBP Phú Yên nói: Hỗ trợ địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên các địa bàn ven biển là công việc thường xuyên của quân y các đồn, hải đội trên tuyến biên phòng. Bà con khi đau ốm đến đồn sẽ được các thầy thuốc biên phòng giúp đỡ ngay. Bên cạnh đó, đội cơ động của ngành quân y biên phòng tỉnh cũng tích cực đi đến các địa bàn xa xôi, vừa khám bệnh cấp thuốc miễn phí, vừa truyền thông tư vấn sức khỏe cho bà con. Mấy năm qua, đội tổ chức mỗi năm từ 4 đến 5 chuyến công tác định kỳ. Có khi ra tận Xuân Hải, Xuân Thịnh, lúc đến An Hải, Hòa Tâm. Có chuyến đi về các xã miền núi như An Lĩnh (Tuy An), Cà Lúi (Sơn Hòa) hay Sông Hinh (Sông Hinh). Đi đến đâu đoàn cũng thấy bà con vui mừng, chờ đón. Y sĩ Nguyễn Lê Vinh, người chưa bao giờ vắng mặt trong những chuyến đi này, cho biết: “Chuyến đi nào cũng để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Có khi sau buổi khám bệnh tất bật là cuộc vui nồng ấm bên ché rượu cần với đồng bào trên vùng cao. Nhưng có lúc cũng thấy xót xa lắm. Có nơi, bà con mình vẫn khổ quá. Con cái suy dinh dưỡng, còm nhom, ho sù sụ mà cha mẹ lo làm ăn, có để tâm đến chuyện khám chữa bệnh đâu”. Tôi biết, điều ray rứt đó đang tiếp tục thôi thúc những thầy thuốc mang quân hàm xanh không ngừng nỗ lực trên hành trình chia sẻ bớt gian nan cho người bệnh nghèo trên các địa bàn khó khăn của tỉnh.
HOÀNG NGỌC VÂN