Từ ngày 20 đến 29/5, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tổ chức giám sát “Tình hình triển khai thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã, giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên”. Qua giám sát cho thấy để hoàn thành mục tiêu 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2020, toàn hệ thống chính trị cần có sự vào cuộc mạnh mẽ.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA TUYẾN Y TẾ CẤP XÃ
Chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu cho nhân dân là một định hướng chiến lược quan trọng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với mọi quốc gia trên toàn cầu, với khẩu hiệu “Sức khỏe cho mọi người”, nhằm giúp mọi người có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ CSSK, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nói đến CSSK ban đầu nghĩa là đề cập đến hệ thống y tế cơ sở. Trong đó, y tế tuyến xã là tuyến kỹ thuật trực tiếp, đầu tiên và gần dân nhất, cung cấp dịch vụ CSSK sớm và kịp thời với các kỹ thuật đơn giản, hiệu quả và chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sống của người dân.
Việt Nam trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân đã được cải thiện, nâng cao, nhu cầu về CSSK ban đầu được chú trọng. Tuy nhiên, mạng lưới y tế xã chậm đổi mới, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị thiếu và chưa đồng bộ, cán bộ y tế thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng, không đáp ứng kịp nhu cầu CSSK ban đầu của nhân dân.
Để nâng chất mạng lưới y tế xã, ngày 22/1/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; Bộ Y tế có Quyết định 370/2002/QĐ-BYT, ngày 7/2//2002 về việc ban hành chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001-2010 (có 10 chuẩn). Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương đã chủ động quan tâm, chỉ đạo và tăng cường đầu tư cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đồng thời, việc thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã, giai đoạn 2001-2010 đã được đưa vào nghị quyết của đảng ủy, HĐND, UBND các cấp và các chỉ tiêu xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Tuy nhiên, tỉ lệ xã đạt chuẩn ở một số địa phương còn thấp và việc duy trì chuẩn còn gặp nhiều khó khăn. Ngày 22/9/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế ra Quyết định số 3447/QĐ-BYT về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, bao gồm 10 tiêu chí với 50 chỉ tiêu. Tiêu chí giai đoạn này, đặt ra cao hơn giai đoạn 2001-2010 cả về cơ sở hạ tầng, cơ cấu cán bộ, vật tư… Đặc biệt, một số chỉ tiêu mới được bổ sung như: Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, công tác DS-KHHGĐ nên càng khó khăn hơn trong việc xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế.
TỒN TẠI, KHÓ KHĂN
Xác định, xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã là điều kiện để giúp cho tuyến y tế cơ sở phát triển toàn diện, triển khai tốt các chương trình, dự án quốc gia về y tế, tăng cường phòng chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng CSSK ban đầu cho nhân dân, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Y tế Phú Yên luôn quan tâm đến việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, nhất là về cơ sở vật chất. Theo báo cáo của Sở Y tế, có 45/112 trạm y tế xã có nhu cầu sửa chữa nâng cấp, 19 trạm y tế cần xây dựng với đủ 10 phòng chức năng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, một số trạm chưa có tường rào, sân bê tông, nhà để xe. Đặc biệt, 112/112 trạm y tế chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế theo quy định. Những thiết bị như máy điện tim, máy siêu âm, máy đo đường huyết theo quy định của Bộ Y tế cũng chưa được đầu tư. Ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực chưa đồng bộ, các xã còn gặp không ít rào cản từ các chỉ tiêu tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỉ lệ tăng dân số tự nhiên; tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên; số hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; tỉ lệ hộ gia đình xử lý rác thải và phân gia súc đúng quy định còn thấp... Những khó khăn, hạn chế này hầu hết thuộc về các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mặt khác, việc thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà đa phần còn “khoán trắng” cho ngành Y tế nên cũng gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, đến nay, toàn tỉnh chỉ mới có 25 xã đạt chuẩn (theo Bộ tiêu chí mới).
NHỮNG GIẢI PHÁP TÍCH CỰC
Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 50% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; đến cuối năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo Bộ tiêu chí mới, không chỉ có sự nỗ lực của ngành Y tế mà cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự chung tay góp sức của người dân. Do vậy, trong thời gian tới cần thành lập Ban chỉ đạo CSSK nhân dân cấp tỉnh (thường trực là Sở Y tế) chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát định kỳ các hoạt động và các chỉ tiêu đạt được trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã hàng quý của tỉnh; lập Đề án “Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020”, trên nền tảng đó, ngân sách tỉnh có kế hoạch bố trí nguồn lực để thực hiện (xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ, mua sắm trang thiết bị…) tuyến huyện, xã làm cơ sở để xây dựng lộ trình phấn đấu xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hàng năm, sơ kết quy chế phối hợp giữa Sở Y tế với UBND huyện, thị xã, thành phố trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh cần được tổ chức, theo Quyết định số 1700/QĐ-UBND, ngày 18/10/2012 của UBND tỉnh để tạo sự đồng thuận cao trong công tác chỉ đạo hoạt động y tế từ tỉnh, huyện, đến xã.
NGUYỄN THỊ DIỆU THIỀN
Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh