“Tuổi già không ngơi nghỉ” là thực tế của nhiều người cao tuổi hôm nay. Với họ, còn giúp ích được cho gia đình, xã hội, còn tham gia các hoạt động cùng với “bạn già” của mình đó là niềm vui đích thực.
Niềm vui của người già là được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ giải trí - Ảnh: K.CHI |
1. Ngoại trừ những NCT vẫn phải làm việc mưu sinh, ngày nay, nhiều người không quen với việc “ngồi chơi, xơi nước” để con cháu phục vụ. Họ tìm thấy niềm vui trong việc giúp đỡ gia đình, con cháu hoặc tham gia các hoạt động tập thể.
Ông Dương Văn Khanh, Phó ban đại diện Hội NCT TP Tuy Hòa cho biết: TP Tuy Hòa có 16.584 NCT, trong đó 12.310 người là hội viên. Hội NCT TP Tuy Hòa hoạt động rất sôi nổi với nhiều phong trào như: tuổi cao gương sáng; ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc vận động cùng nhau xây dựng quê hương đất nước, xây dựng khu phố văn hóa; tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh tâm thể, hoạt động văn hóa văn nghệ, tư vấn sức khỏe.
Đối với NCT, việc thấy mình còn có ích cho gia đình, xã hội là điều quan trọng. Ông Nguyễn Văn Út, thương binh hạng 1/4 đã về hưu gần 15 năm nay nhưng vẫn xin đảm nhận làm bảo vệ cho Sở LĐ-TB-XH Phú Yên. Ông nói: “Tôi đi làm gặp người quen là thấy đỡ buồn”. Còn những ai quan tâm đến bộ môn nghệ thuật sân khấu đều biết đến CLB Tuồng 10 tháng 5 của huyện Phú Hòa. Ở đó tập trung hầu hết những NCT đam mê với nghệ thuật truyền thống. Bà Đào Thị Thu Sen, thành viên Đội văn nghệ NCT xã Hòa Quang Bắc tâm sự: “Những buổi sinh hoạt văn nghệ truyền thống là cơ hội để những người lớn tuổi giao lưu, sinh hoạt văn hóa với nhau. Mỗi lần gặp mặt, chúng tôi hay diễn các trích đoạn tuồng, như: Kỷ Lan Anh đi tìm chồng, Tiết Cương chống búa hoặc Tiết Giao đoạt ngọc, Nguyệt Cô hóa cáo…”.
2. Trong tiết trời oi bức, bước vào Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh (Sở LĐ-TB-XH) nhìn 45 cụ ông, cụ bà sống ở đây, trò chuyện bên ấm nước, nơi góc sân... lòng dâng lên nhiều cảm xúc khó tả. “Thời tiết nắng nóng quá nên mấy ông bà ra sân ngồi dưới tán cây cho mát”, cụ Trần Thị Mai, 81 tuổi, vợ liệt sĩ ở thôn Phú Hữu, xã Suối Bạc (Sơn Hòa) chia sẻ. Còn một số cụ còn đủ sức khỏe cũng giúp sức chuẩn bị bữa ăn, trồng rau, chăm nuôi con heo, con gà… Ông Đinh Viết Hậu, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh, cho biết: “Trung tâm đã trang bị cơ bản các phương tiện phục vụ sinh hoạt hàng ngày và giải trí cho các cụ. Nhiều đơn vị, cá nhân hảo tâm cũng đến thăm, tặng quà các cụ. Trung tâm đang sửa chữa, nâng cấp để trong thời gian tới sẽ mở thêm dịch vụ dưỡng lão, chăm sóc nuôi dưỡng NCT nếu họ có nhu cầu”.
Vào các ngày kỷ niệm Ngày vì NCT Việt Nam (6/6), Ngày Quốc tế NCT (1/10) hay mỗi độ xuân về tết đến, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh cũng như các gia đình có NCT lại vui rộn hẳn lên, bởi con cháu sum vầy, chúc thọ, chúc phúc. Nếu như trước đây, công việc chăm lo NCT là việc của mỗi gia đình, thì nay là cả cộng đồng xã hội, các tổ chức, đoàn thể, chính quyền các cấp cùng thực hiện. Đó chắc chắn là niềm hạnh phúc của những NCT, tạo cho họ một cuộc sống vui tươi, viên mãn.
Nhân Ngày vì người cao tuổi Việt Nam (6/6), các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trích ngân sách tặng 5.323 suất quà, mỗi suất 100.000 đồng cho các cụ tròn 70 tuổi và 75 tuổi; tặng 3.568 suất quà, mỗi suất 200.000 đồng cho các cụ tròn 85 tuổi và 95 tuổi. |
HOÀNG LÊ