Có dịp đi công tác, tôi ghé thăm gia đình chị Trần Thị Huyền (thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam, Đông Hòa).
Thường xuyên liên lạc với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nên khi gặp tôi, chị Huyền mừng như gặp người thân trong gia đình đi xa mới về. Chị kể: Chồng chị - anh Đỗ Mạnh Xuyến, nhân viên cơ yếu từ đảo Trường Sa Lớn về nhà được 6 tháng. Tháng 12/2013, anh lại tiếp tục làm đơn tình nguyện ra công tác ở đảo Nam Yết. Dù đã có sự chuẩn bị tâm lý nhưng chị Huyền cũng bối rối mỗi khi 2 đứa con là Đỗ Tiến Thịnh, Đỗ Tiến Vương gọi điện thoại đòi ba về. Một mình chăm sóc 2 con, tuy vất vả nhưng chị Huyền luôn tự động viên cố gắng hoàn thành tốt công việc tại Văn phòng Đảng ủy xã, nuôi dạy và chăm sóc con tốt để chồng yên tâm công tác nơi đảo xa. Chị còn tranh thủ làm thêm nghề dệt chiếu cói.
Chị Trần Thị Hoàng, em gái của chị Huyền cũng có chồng là anh Đoàn Công Hiến, nhân viên thông tin công tác ở đảo Trường Sa Lớn. Chị Hoàng tâm sự, anh Hiến làm đơn tình nguyện công tác tại đảo Trường Sa Lớn hồi tháng 7/2013. Khi đó, cháu Đoàn Công Vinh mới 5 tuổi, cháu Đoàn Long Thiên vừa tròn 1 tuổi nên cuộc sống của 3 mẹ con vô cùng khó khăn. Có lúc con ốm nặng phải đưa đi TP Hồ Chí Minh khám bệnh, hoặc những khi trời mưa to gió lớn, nhà cửa phải chằng chống, chị lúng túng chẳng biết làm gì. Những lúc như vậy, chị gái và em trai Trần Ngọc Hiếu có mặt giúp đỡ kịp thời nên chị Hoàng không thấy mình đơn côi.
Bà Đỗ Thị Hạnh rất tự hào là mẹ của 2 cô con gái có chồng công tác ở huyện đảo Trường Sa. Bà nói: “Tôi luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, động viên các con phấn chấn tinh thần để chồng yên tâm công tác nơi đảo xa”. Năm 2013, bà Hạnh được mời ra đảo Trường Sa Lớn thăm anh Đỗ Mạnh Xuyến nên càng thấu hiểu được nỗi khổ, nỗi vất vả của những người lính đảo công tác xa nhà, xa đất liền. Không chỉ là chỗ dựa tinh thần, bà còn giúp đỡ vật chất kịp thời cho các con lúc khó khăn. Ngoài công việc là cán bộ dân số ở xã, bà Hạnh còn là chủ cơ sở dệt chiếu cói truyền thống của xã Hòa Hiệp Nam. Nghề dệt chiếu cói được gia đình bà Hạnh duy trì từ nhiều năm nay. Năm 2013 được Nhà nước hỗ trợ kinh phí phát triển làng nghề 50 triệu đồng, bà đã mua 1 máy dệt chiếu để sản xuất và mở rộng cơ sở, tạo việc làm ổn định cho gia đình và 10 công nhân. Cơ sở sản xuất có uy tín, chiếu dệt ra đến đâu bán hết đến đó. Mỗi công nhân làm việc ở đây được trả lương bình quân từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, thu nhập của 4 mẹ con bà Hạnh bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Tạm biệt gia đình bà Hạnh, tôi ra về mang theo hình ảnh của những người phụ nữ trung hậu, đảm đang không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng gánh vác công việc gia đình ở hậu phương để chồng con yên tâm làm nhiệm vụ nơi đảo xa, cùng với cả nước quyết tâm bảo vệ vùng trời, vùng biển và hải đảo thân yêu của Tổ quốc.
LINH CHÂU