Với chức năng chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, trong những năm qua, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức hội.
Chiếm hơn 50% dân số của tỉnh, có mặt hầu hết trong các lĩnh vực đời sống xã hội, phụ nữ Phú Yên đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xãhội của tỉnh. Với vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội LHPN Phú Yên đã không ngừng nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng củng cố tổ chức hội, hướng mạnh về cơ sở, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên phụ nữ. Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do hội phát động và tổ chức thực hiện đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia hưởng ứng. Trong đó, nổi bật là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương hội phát động gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Qua đó, nhiều tấm gương cán bộ, hội viên tiêu biểu xuất hiện, được Chính phủ, Trung ương hội và tỉnh ghi nhận thành tích thông qua các danh hiệu, phần thưởng cao quý…
Tuy nhiên, nội dung, phương thức hoạt động ở một số cơ sở hội còn chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều vấn đề bức xúc của phụ nữ về lao động, việc làm chưa được hội phát hiện kịp thời; tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình vẫn xảy ra… Để việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ ngày càng tốt hơn đòi hỏi các cấp hội cần chú trọng chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh, tạo sức hút mạnh mẽ trong việc tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, tạo sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội với các hoạt động của hội.
Chúng ta thường nói “Cán bộ nào thì phong trào đó”, để xây dựng đội ngũ cán bộ có tính chiến lược lâu dài, nhiều năm qua các cấp hội đã thực hiện công tác tổng kết, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ thông qua việc phân loại cán bộ hàng năm. Ngoài ra, Hội LHPN cấp tỉnh, huyện còn phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và các ngành tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho cán bộ hội cấp cơ sở. Hội còn phối hợp với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cùng cấp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về giới và kỹ năng lãnh đạo cho cán bộ hội, ứng cử viên nữ và nữ đại biểu HĐND các cấp… Ngoài ra, thông qua các mô hình như: “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ tôn giáo giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, các câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Mẹ và con gái”, “Chăm sóc sức khỏe vị thành niên”, “Mái nhà an toàn”… các cấp hội tích cực lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước với công tác tư vấn, hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng cho chị em ở cơ sở. Đi đôi với xây dựng các mô hình, hàng loạt những giải pháp hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở hội cũng đã góp phần xây dựng, củng cố tổ chức hội và phong trào phụ nữ, phát huy tiềm năng cũng như vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Chị Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN xã An Thạch (Tuy An) cho rằng: Để xây dựng đội ngũ cán bộ hội phụ nữ cơ sở đáp ứng được nhu cầu của thời kỳ CNH-HĐH đất nước, cán bộ hội cần phải nhận thức đúng về vai trò của công tác dân vận; có trách nhiệm, tâm huyết với công việc được giao. Bản thân mỗi cán bộ hội phải tích cực phấn đấu, rèn luyện, chủ động học tập nâng cao trình độ, kiến thức; tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do cấp trên tổ chức…
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Hòa Huỳnh Thị Son, Hội LHPN huyện Phú Hòa từ trước đến nay luôn chú trọng đến công tác nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ hội cũng như khảo sát nắm tình hình hoạt động ở các cơ sở hội để có những đánh giá chính xác, từ đó, đề ra biện pháp củng cố tổ chức cơ sở hội. Hàng năm, công tác quy hoạch, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hội, nhất là đội ngũ kế thừa luôn được hội chú trọng. Ngoài ra, công tác xây dựng lực lượng cán bộ, hội viên nòng cốt ở các chi hội phụ nữ, nhất là chi hội phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ởbuôn Hố Hầm (xã Hòa Hội) và chi hội phụ nữ giáo dân nhà thờ Hóc Gáo ở thôn Đồng Lãnh (xã Hòa Quang Bắc) luôn được hội quan tâm. Hiện nay, 100% cơ sở hội của huyện Phú Hòa đều có cán bộ, hội viên nòng cốt, với gần 5.000 chị. Huyện hội đã phát huy vai trò của lực lượng này trong tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như triển khai các hoạt động của hội. “Thông qua lực lượng này, hội nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng của hội viên phụ nữ, trên cơ sở đó phản ánh kịp thời với cấp trên những vấn đề tại địa phương để cùng phối hợp giải quyết những bức xúc trong nhân dân, góp phần giữ vững tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện”, bà Son cho biết thêm.
HÒA YÊN