Nhằm đưa kiến thức pháp luật đến công nhân lao động (CNLĐ), góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, nhân Tháng công nhân năm 2014, Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên phối hợp với Văn phòng Tư vấn Pháp luật (LĐLĐ tỉnh) tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho tất cả CNLĐ có nhu cầu đang làm việc tại 3 khu công nghiệp trong tỉnh...
Nhờ công tác vận động, các chủ doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho CNLĐ tiếp cận, nắm bắt thông tin và các chế độ chính sách nên các buổi tư vấn pháp luật miễn phí thu hút đông đảo CNLĐ đến tìm hiểu, với các hình thức nói chuyện, cấp phát tài liệu, tư vấn trực tiếp và trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề tiền lương, thời gian làm việc, kỷ luật lao động, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động, hợp đồng lao động, tranh chấp lao động. Đồng thời, các buổi tư vấn còn nhấn mạnh những thông tin, nội dung mới được sửa đổi, bổ sung có liên quan mật thiết đến người lao động như tuổi nghỉ hưu, tiền lương và mức lương tối thiểu, thời gian nghỉ thai sản; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đối thoại nơi làm việc; hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể… trong Bộ luật Lao động. Các nội dung được trình bày còn là: Trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công đoàn; những bảo đảm hoạt động của công đoàn; giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật công đoàn; tài chính công đoàn và nghĩa vụ trích nộp kinh phí công đoàn; cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn... trong Luật Công đoàn sửa đổi.
Tại các buổi tư vấn, nội dung được người lao động đặt câu hỏi cho cán bộ tư vấn pháp luật chủ yếu là những vấn đề về tiền lương, chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động bị sa thải không đúng quy định, chi trả trợ cấp thôi việc… Anh Nguyễn Thái Hòa, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Kính mắt Sài Gòn, vui vẻ nói: Buổi tư vấn đã giúp tôi giải tỏa mọi thắc mắc về tiền lương, hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc… cũng như các chế độ khác liên quan đến quyền lợi người lao động mà trước đây tôi vẫn còn mập mờ. Mong rằng trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ có nhiều hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật như vậy nữa để giúp người lao động chúng tôi được nâng cao hiểu biết…”. Còn chị Võ Thị Mỹ Dung, công nhân đang làm việc tại Công ty cổ phần FoodTech, phấn khởi nói: “Tôi đang mang thai ở tháng thứ 6, rất vui vì qua buổi tư vấn đã giúp tôi nắm được Bộ luật Lao động sửa đổi quy định thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ được 6 tháng (thay vì 4 tháng như trước đây) và mức hưởng chế độ thai sản, chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi sinh…”.
Bà Trần Thị Như Huệ, Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn pháp luật, cho biết: Với mục đích trang bị kiến thức về pháp luật lao động cho người lao động, LĐLĐ đã mở nhiều lớp truyền thông tuyên truyền, tư vấn pháp luật. Đồng thời, đơn vị cũng chủ động làm việc với các công đoàn cơ sở, vận động chủ doanh nghiệp tạo điều kiện để công nhân dự nghe các lớp này. Qua đó, công nhân lao động được nâng cao kiến thức, trang bị những nền tảng cơ bản để có thể tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, trình độ văn hóa, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận công nhân hiện nay còn rất hạn chế, nhiều công nhân không hiểu biết pháp luật hoặc hiểu chung chung, mơ hồ.
Nắm bắt tình hình thực tế đó, ông Hồ Hồng Nam, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Để giúp người lao động nâng cao hiểu biết pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn (sửa đổi). Công đoàn đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chú trọng công tác tư vấn, tuyên truyền và phổ biến pháp luật lao động đến các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở. Qua đó góp phần nâng cao trình độ nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành pháp luật lao động, Luật Công đoàn. Những hoạt động này còn góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho CNLĐ và phát huy vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động”.
Các buổi tư vấn đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của CNLĐ, đặc biệt là các cán bộ công đoàn cơ sở, chủ sử dụng lao động trong các doanh nghiệp. Nhiều công nhân sau buổi tư vấn đã điện thoại hoặc viết thư về Văn phòng tư vấn Pháp luật (LĐLĐ tỉnh) để hỏi các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ lao động. Từ việc “ngại” để cán bộ công đoàn tư vấn pháp luật lao động trong doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp đã hưởng ứng tích cực, bởi qua buổi tư vấn, CNLĐ cũng hiểu rõ thêm vai trò, trách nhiệm, đóng góp của mình trong doanh nghiệp. Ông Hồ Hồng Nam cho rằng: Tư vấn, phổ biến pháp luật cho CNLĐ là một phần quan trọng giải quyết cái gốc của tranh chấp, đình công trái pháp luật. Vì vậy, để công tác tư vấn, tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả cao, công đoàn tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, đồng thời đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành LĐ-TB-XH, BHXH... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động trong CNVCLĐ theo hướng đa dạng hóa hình thức, nội dung sát thực với từng đối tượng. Công tác này tập trung vào CNLĐ trực tiếp sản xuất, CNLĐ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, CNLĐ ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt là việc chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ công đoàn, phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên. Trong thời gian tới, hoạt động tư vấn, phổ biến pháp luật lao động sẽ được thực hiện với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng cần tư vấn.
KHÁNH VY