Thứ Ba, 08/10/2024 17:36 CH
Chị Hiệp làm kinh tế giỏi
Thứ Sáu, 02/05/2014 14:00 CH

Mỗi khi nhắc đến chị Trần Thị Hiệp ở thôn Ea MKeng, xã Ea Bar (Sông Hinh), người dân trong thôn đều cảm phục nghị lực, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu của chị. Đặc biệt, chị Hiệp đã phát triển thành công mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng (VAC) kết hợp trồng cây công nghiệp, giúp cải thiện cuộc sống gia đình; đồng thời có điều kiện hỗ trợ vốn, giống cho nhiều hộ khác trong thôn.

chi-hiep.jpg

Chị Trần Thị Hiệp chăm sóc đàn gà - Ảnh: V.THAO

THĂNG TRẦM VỚI CÂY CÀ PHÊ

Sinh ra trong một gia đình thuộc diện khó khăn của huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Hà Nam), từ nhỏ chị Trần Thị Hiệp đã quen với cảnh lam lũ, đầu tắt mặt tối giúp ba mẹ làm việc nhà, chăm em nhỏ. Không để đói nghèo trói chân, năm 1986, chị Hiệp theo một số người quen vào Phú Yên lập nghiệp và làm công nhân ở Nông trường Ea Bá thuộc xã Ea Bar (nay là Công ty TNHH một thành viên cà phê Ea Bá). Năm 1989, lập gia đình với hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Hiệp lại tiếp tục bươn chải kiếm sống. Dù khó khăn nhưng chị không hề ỷ lại hay trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trái lại, chị luôn có ý thức vượt khó vươn lên, quyết tâm không cam chịu đói nghèo. Không có vốn đầu tư sản xuất, ngoài đi làm công nhân cho nông trường, hai vợ chồng tần tảo đi làm thuê cuốc mướn để lo cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Thế nhưng, dù làm việc quần quật, vợ chồng chị Hiệp cũng chỉ có thể đắp đổi qua ngày, “ăn bữa nay lo bữa mai”. Khi các con lần lượt ra đời, cuộc sống đã khó càng thêm khó.

Chị Hiệp chia sẻ: “Thời điểm đó, nhiều công nhân dần dần bỏ nông trường đi nơi khác kiếm sống. Nhiều lúc vợ chồng tôi cũng muốn theo mọi người để có cơ hội đổi đời nhưng nghĩ đến mảnh đất đã cưu mang mình trong bao năm tháng giờ bỏ đi sao đành. Nghĩ vậy, chúng tôi tiếp tục động viên nhau phải cố gắng hơn”. Năm 1993, Nông trường Ea Bá có chủ trương cho phép phát triển kinh tế gia đình nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, gia đình chị Hiệp đã mạnh dạn nhận hợp đồng chăm sóc một vài hécta cà phê cằn cỗi và đất trống trồng cây ngắn ngày. Đến năm 1994, cà phê bắt đầu có giá, đem lại nguồn thu tương đối, nhưng năng suất sản lượng cà phê vối thấp nên hiệu quả kinh tế đối với người trồng không cao. Vì vậy, năm 1997, lãnh đạo nông trường có chủ trương chuyển từ cà phê vối sang trồng cà phê chè. Lúc này, gia đình chị Hiệp cũng chuyển đổi cây trồng như mọi người. “Cái khó ló cái khôn. Thấy cái gì hiệu quả thì làm chứ thật tình khi đó chúng tôi cũng chưa thể tính toán, cân nhắc thiệt hơn. Ngoài trồng cà phê, vợ chồng tôi còn trồng xen một số loại cây ngắn ngày và chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình”, chị Hiệp nói.

VAC KẾT HỢP CÂY CÔNG NGHIỆP

Năm 2003, từ các đội sản xuất của nông trường, UBND xã Ea Bar thành lập 3 thôn mới để dễ quản lý nhân khẩu. Lúc này, Đảng và Nhà nước cũng triển khai nhiều chương trình, dự án nông nghiệp dành cho vùng nông thôn, miền núi khó khăn. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, được sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, từ năm 2006 đến năm 2009, chị Hiệp mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Có tiền, chị bàn với chồng đầu tư xây chuồng trại theo mô hình VAC; trong đó có 150m2 chuồng nuôi heo hướng nạc, 70m2 chuồng gà công nghiệp, 0,25ha ao nuôi cá, 0,2ha vườn trồng cây ăn trái các loại. Ngoài ra, chị còn trồng 6ha cà phê chè, 6ha cao su. Mô hình phát triển thành công, heo siêu nạc xuất chuồng từ 14 đến 16 tấn/năm, gà thả vườn từ 23 đến 24 tấn/năm, cà phê chè thu hoạch 10 tấn quả tươi/ha/năm, cá và cây ăn quả cũng đều đặn xuất bán… đem lại nguồn lợi đáng kể cho gia đình chị Hiệp.

Thu nhập ổn định, chị Hiệp có điều kiện tiếp tục đầu tư trồng trọt, chăn nuôi và cho con cái học hành đàng hoàng. Đến nay, chị đã nâng diện tích trồng cao su lên 10ha, hàng năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ở tuổi 48, chị Hiệp tự hào chia sẻ: “Điều tôi vui nhất là sau những vất vả đã trải qua, các con luôn hiểu được những khó khăn của ba mẹ và nỗ lực học hành. Hiện tôi có 1 con gái đang học Trường đại học Y dược Huế, 1 con trai đang học Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh”.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar, chị Trần Thị Hiệp không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi, mà còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ mọi người trong thôn có giống, vốn để sản xuất. Đồng thời, là một phụ nữ năng động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, luôn chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng đáng là một cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác.

VÂN THẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek