Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp hội LHPN trong tỉnh đã và đang tích cực huy động các tầng lớp chị em chung tay XDNTM ở địa phương…
Hội LHPN xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) phối hợp với công an địa phương triển khai công tác quản lý, giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật - Ảnh: T.VĂN
Phụ nữ Phú Yên chiếm hơn 50% dân số trong tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức hội tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho chị em trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, của từng địa phương nói riêng về XDNTM. Các cấp hội luôn gắn kết chặt chẽ các tiêu chí XDNTM với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hội, nhất là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.
Để cuộc vận động tạo nên hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, theo bà Đặng Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, ngay từ khi có kế hoạch của Trung ương hội, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động đến các cấp hội. Hội LHPN tỉnh đã tích cực hướng dẫn tổ chức các hoạt động thực hiện cuộc vận động đến các huyện, thị, thành hội trong tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các cấp hội thông qua UBND cùng cấp chủ động đăng ký tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương, cơ sở mình gắn với các tiêu chí của cuộc vận động.
Theo đó, từng nội dung, tiêu chí của cuộc vận động được chú trọng hơn. Cụ thể, với tiêu chí “không đói nghèo”, hội tổ chức các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện để chị em tiếp cận các thông tin về khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, mở ra nhiều hướng làm ăn mới, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, từ đó cải thiện cuộc sống, giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững ở các địa phương. Với tiêu chí “không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội”, hội tiếp tục phối hợp với ngành Công an và ngành Tư pháp tổ chức quản lý, giáo dục con, em trong gia đình không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội, nhất là thực hiện Nghị quyết liên tịch 01. Với tiêu chí “không có bạo lực gia đình”, hội tích cực tuyên truyền về các luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bình đẳng giới, Hôn nhân gia đình cũng như đẩy mạnh việc thành lập các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Với tiêu chí “không sinh con thứ 3 trở lên”, các cấp hội đã phối hợp với ngành Y tế triển khai các kế hoạch chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho chị em. Để “trẻ không suy dinh dưỡng và bỏ học”, hội đẩy mạnh việc thực hiện đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” và cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường” trong các cấp hội. Đối với nội dung “3 sạch”, hội cũng tích cực vận động chị em sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, chế biến thực phẩm, xử lý nước thải sinh hoạt gia đình hợp vệ sinh, thực hiện quy hoạch chuồng trại chăn nuôi hợp lý. Cùng với đó, các cơ sở hội còn thành lập các tổ vệ sinh môi trường tự quản, đội thu gom rác thải sinh hoạt, nhiều thôn xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường… Có thể nói, cuộc vận động đã mang lại hiệu ứng tích cực và tác động mạnh đến các phong trào khác như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc… Đồng thời, cuộc sống của phụ nữ Phú Yên được nâng chất và thúc đẩy phong trào toàn tỉnh chung tay ngày càng phát triển.
Chị Nguyễn Thị Hòa ở xã Hòa Trị (Phú Hòa) phấn khởi: “Từ khi triển khai cuộc vận động này, cán bộ, hội viên phụ nữ xã chúng tôi đều tích cực hưởng ứng. Chị em biết cách chăm sóc, giáo dục con cái khoa học, xây dựng gia đình hạnh phúc cũng như hiểu được lợi ích của việc bảo vệ môi trường, biết cách vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Hiện toàn tỉnh có trên 378.000 cán bộ, hội viên được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; gần 800 CLB “gia đình 5 không 3 sạch” với trên 16.500 thành viên tham gia. Cuộc vận động đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ, bước đầu xây dựng thói quen, ý thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc… Chính vì vậy, trong suy nghĩ, cách làm và trong tổ chức cuộc sống gia đình, cũng như tham gia xây dựng cộng đồng làng xã xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng tổ chức hội và phong trào phụ nữ ở địa phương đã có sự thay đổi.
DUYÊN HẢI