Thứ Tư, 09/10/2024 11:27 SA
Hội Người mù Phú Yên:
Chỗ dựa tin cậy của người khiếm thị
Thứ Năm, 17/04/2014 14:00 CH

Ngày 9/10/2009, Hội Người mù Phú Yên được thành lập với 50 hội viên là người mù đại diện của 9 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động hầu như không có. Tuy nhiên, lãnh đạo hội không nản chí mà từng bước vượt qua khó khăn với phương châm “Tự thân vận động, sự nghiệp của hội phải do cán bộ, hội viên xây dựng lên, làm từ khó đến dễ, từ nhỏ đến lớn”. Đồng thời, xác định phương thức hoạt động chủ yếu là lấy con đường văn hóa, lao động sản xuất, tạo việc làm để chăm sóc đời sống người mù. Mặt khác, tích cực tuyên truyền để các cấp, ngành và nhân dân hiểu đúng về tật mù và khả năng của người mù, từ đó chung tay góp sức cùng hội thành lập các hội địa phương để giúp người mù thoát nghèo.

 

mu140417.jpg

Ông Hoàng Tự Điển trao quà cho người mù - Ảnh: H.N.M

VƯỢT KHÓ VƯƠN LÊN

 

Từ 50 hội viên năm 2009, đến nay, Hội Người mù tỉnh có 1.527 hội viên sinh hoạt ở 8/9 huyện, thị, thành hội và 6 hội xã, phường. Với phương thức đẩy mạnh xã hội hóa các mặt công tác, đoàn kết, đổi mới và hội nhập, gắn hoạt động hội với các chương trình của Nhà nước, Ban chấp hành hội đã phát động các cuộc vận động: “Xóa đói giảm nghèo”, “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập cộng đồng”, cùng chương trình “Hành động việc làm xóa đói giảm nghèo”, mang lại nhiều lợi ích đối với cuộc sống hội viên người mù trong tỉnh. Từ ngày thành lập đến nay, với sự chung tay giúp đỡ của Nhà nước và các tổ chức, địa phương, cuộc sống của hội viên đã có nhiều thay đổi. Con đường tìm ra việc làm phù hợp với hội viên thật gian nan, vất vả. Không có mặt bằng, không có địa điểm để huy động hội viên về sản xuất tập trung ở một điểm chính, hội đã đưa 9 cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn tại Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng cho người mù ở Hà Nội. Từ đó hội có nguồn nhân lực cơ bản, mở lớp dạy chữ nổi (Braille) cho 27 người, dạy nghề cho 24 người, phục hồi chức năng bài bản, tạo nên một đội ngũ cán bộ hội tâm huyết vì sự nghiệp của người mù. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, Hội chọn nghề chăn nuôi để phù hợp với người mù. Đối với người sáng mắt, đây là một việc làm bình thường, còn người mù từ những sinh hoạt nhỏ, cái ăn, cái mặc, đi lại... đều phải nhờ người khác trợ giúp; có người phải tự thân vận động để vượt qua khó khăn.

 

Tuy sản xuất thu nhập không đáng kể nhưng phần nào giúp hội viên người mù dần dần vượt qua trở ngại ban đầu, hội đã tạo điều kiện cho 143 hội viên có việc làm, thoát nghèo, vươn lên ổn định đời sống. Một số hội viên sau khi trải qua các lớp xóa mù chữ, đào tạo nghề cơ bản ngắn hạn, đã có niềm tin vào bản thân, niềm tin với tổ chức hội. Ngoài ra, Tỉnh hội còn tìm cách liên hệ với các tỉnh bạn có cơ sở xoa bóp bấm huyệt giới thiệu nhiều hội viên đến hành nghề, nhờ đó nhiều hội viên có thu nhập ổn định hàng tháng 1,5 triệu đồng trở lên. Hội Người mù huyện Tuy An liên hệ các cơ sở sản xuất tăm tre để nhận về, sau đó lập thành tổ đi bán tại các cơ quan, trường học góp phần thu nhập cho hội viên và một phần gây quỹ hội.

 

Qua 4 năm trưởng thành, hội cũng đã đem lại cho người mù sự thay đổi thật ý nghĩa. Khi hội mới thành lập, hầu hết người mù không biết chữ, đời sống tinh thần, văn hóa hết sức nghèo nàn, họ mặc cảm, tự ti, nghĩ thế giới bên ngoài là một vực thẳm. Với phương thức dùng con đường văn hóa để tập hợp hội viên, năm 2012, Tỉnh hội tổ chức 2 lớp học chữ nổi, tin học, xoa bóp cơ bản và dạy về kỹ năng sống với thời gian 4 tháng. Sau khi kết thúc khóa học, hội viên đã biết đọc, biết viết chữ nổi. Để rèn luyện hội viên sử dụng chữ nổi ngày càng tốt hơn, Tỉnh hội chuyển Tạp chí Đời Mới của Trung ương hội, kết hợp sách nói (CD, băng cassette) đến hội viên để cập nhật thông tin, giúp nâng cao kiến thức. Với nguồn vốn 422 triệu đồng đang quản lý, hội phối hợp với các huyện, thị, thành hội điều tra, khảo sát hướng dẫn hội viên lập các dự án, mở lớp dạy nghề, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, không chỉ tạo việc làm cho người mù mà còn giúp người thân trong gia đình có nguồn thu nhập. Qua kiểm tra, hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả và đảm bảo trả gốc, lãi đúng kỳ hạn, không có nợ quá hạn. Công tác quản lý và sử dụng vốn vay của hội được Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao. Bên cạnh đó, hầu hết hội viên được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, trên 82% được cấp thẻ BHYT. Với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, hội trợ cấp khó khăn đột xuất, tặng quà nhân dịp lễ tết cho 777 lượt người, xây dựng 6 ngôi nhà đại đoàn kết tặng các hội viên nghèo có mã số đang ở nhà tạm bợ.

 

Cùng với sự phát triển của tổ chức hội, phong trào học tập trong hội viên ngày càng mở rộng. Đến nay đã có nhiều người được xóa mù chữ, 2 hội viên đang học THPT, 1 hội viên học THCS. Nhờ công nghệ thông tin, dân trí của người mù và năng lực làm việc của các cấp hội được nâng lên đáng kể. Hiện nay Tỉnh hội đang tiếp tục phối hợp chỉ đạo các huyện hội lắp đặt máy vi tính kết nối mạng internet để hỗ trợ cho người mù, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác hội.

 

mu1-140417.jpg

Dạy chữ nổi cho người mù - Ảnh: K.CHI

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG, HƯỚNG MẠNH VỀ CƠ SỞ

 

4 năm đoàn kết, phấn đấu, cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh hết sức tự hào về những thành tích đã đạt được. Làm theo lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế” hội đã làm tốt nhiệm vụ tập hợp và chăm sóc người mù. Vị thế, uy tín của hội ngày càng được khẳng định. Hội đã được Đảng, Nhà nước, UB TƯMTTQ Việt Nam, cùng các cấp, các ngành biểu dương và ghi nhận thành tích; Tỉnh hội được Hội Người mù Việt Nam tặng bằng khen năm 2011, UBND tỉnh tặng 2 bằng khen năm 2012 và 2013, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân của Hội Người mù các cấp… Sự quan tâm ấy kịp thời động viên cán bộ, hội viên nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

 

Trong quá trình hoạt động, hội đã nhận được sự chỉ đạo, tạo điều kiện ban hành cơ chế, chính sách, hỗ trợ vật chất, tinh thần của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các cấp, ngành của tỉnh, huyện. Các văn bản: Kết luận số 73/KL-TW ngày 16/6/2010 về việc “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 51/CT-TW ngày 12/4/1989 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) về việc giúp đỡ Hội Người mù Việt Nam”; Chính phủ có Văn bản số 5099/VPCP-KGVX ngày 21/7/2010 về việc “Tạo điều kiện giúp đỡ người mù và tổ chức hội”; đặc biệt Kế hoạch 88/KH-TU ngày 11/8/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên triển khai Kết luận số 73/KL-TW ngày 16/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng… đem lại niềm tin, sự phấn khởi cho cộng đồng người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng.

 

Dù đạt nhiều kết quả, nhưng trong tình hình đất nước đổi mới, hội nhập với thế giới; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển nhanh và đầy biến động, hội cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, khoảng cách thu nhập giữa người giàu với người nghèo, người khuyết tật, trong đó có người mù ngày càng rộng. Hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo trong hội còn cao, học vấn, dân trí hội viên còn thấp so với xã hội, chính vì vậy, hội viên mù sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với phương thức sản xuất mới, phương tiện công nghệ và tri thức hiện đại. Trong khi đó, tri thức văn hóa, công nghệ thông tin còn chậm đến với hội viên ở các cấp hội; một số cơ chế chính sách đối với hội và người mù chậm đổi mới, chưa phù hợp với thực tế đang diễn ra.

 

Những khó khăn đó, đòi hỏi hội phải nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động, sâu sát địa phương, hướng về cơ sở hội, về hội viên. Mặt khác, tập trung xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa các mặt công tác của hội, gắn hoạt động hội với các chương trình của Nhà nước, địa phương, động viên hội viên năng động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, đề cao tinh thần tự thân vận động để giải quyết những vấn đề của bản thân. Đồng thời, hội mong muốn được Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện hơn nữa cho người mù và tổ chức hội.

 

Với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành và toàn xã hội, cùng với sự đổi mới phương thức hoạt động hội và những nỗ lực của hội viên, Hội Người mù tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục phát triển góp phần xây dựng quê hương tiến lên phồn vinh, hạnh phúc.

 

Hội Người mù Việt Nam được thành lập vào ngày 17/4/1969. Là một tổ chức của người khiếm thị, lại ra đời giữa lúc chiến tranh đang diễn ra hết sức ác liệt, cả nước vừa đánh trả giặc trời của quân xâm lược, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam để có ngày 30/4/1975 rừng cờ đỏ sao vàng tung bay trên thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại, vì vậy hoạt động của hội những ngày đầu gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, bạn bè quốc tế, cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, cán bộ, hội viên đã đoàn kết khắc phục, từng bước xây dựng hội trở thành một tổ chức xã hội đặc thù vững mạnh, là ngôi nhà chung, là chỗ dựa về tinh thần, vật chất của hàng triệu người khiếm thị. Đến nay cả nước có 54 tỉnh, thành hội hoạt động với hơn 62.000 hội viên.

 

HOÀNG TỰ ĐIỂN

Ủy viên BCH Hội Người mù Việt Nam, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek