Đồng Xuân là huyện sớm triển khai thực hiện chủ trương thành lập công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn (gọi tắt là công đoàn xã) theo Quyết định số 974/QĐ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hơn 5 năm qua, tổ chức công đoàn xã với tổng số gần 500 đoàn viên đã đồng hành với hệ thống chính trị ở 11/11 xã, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Công đoàn cơ sở xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) tạo điều kiện cho đoàn viên vay vốn để chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình - Ảnh: N.HÂN
Bà Trần Thị Phương, Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Đồng Xuân cho biết: Từ khi có chủ trương thành lập công đoàn cơ quan cấp xã, công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở (CĐCS) luôn được LĐLĐ huyện quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn về công tác tổ chức quản lý, lãnh đạo và bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức pháp luật cũng như nghiệp vụ công đoàn cho cán bộ CĐCS. Mặc dù mô hình công đoàn xã, thị trấn là mô hình mới nhưng hầu hết các CĐCS xã, thị trấn trong huyện đều xác định và thực hiện đúng vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn ở cơ sở; tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của công đoàn cấp trên đến đoàn viên, cán bộ công chức, viên chức.
Đến nay, đã có 11/11 CĐCS ở Đồng Xuân xây dựng quy chế hoạt động của Ban chấp hành, quy chế hoạt động của ủy ban kiểm tra, quy chế phối hợp giữa CĐCS với chính quyền. Đồng thời, công đoàn xã phối hợp chính quyền cùng cấp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ công chức hàng năm, tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, cải tiến lối làm việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, chống phiền hà, sách nhiễu nhân dân… Nhờ đó, hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở từng bước đi vào nền nếp, phát huy được vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công đoàn xã còn đóng vai trò nòng cốt trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới như vận động nhân dân hiến đất, góp tiền, góp công thực hiện tốt đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn năm 2013 với tổng chiều dài hơn 9,3km mà tiêu biểu là xã Xuân Quang 2. Bên cạnh đó, các CĐCS xã còn xây dựng các nhóm tiết kiệm, quỹ tương trợ kịp thời giúp đỡ những gia đình CNVC-LĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rủi ro hoạn nạn, như CĐCS xã Xuân Sơn Nam; hỗ trợ xây nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên Trần Thị Điệp có hoàn cảnh khó khăn ở xã Xuân Phước; triển khai tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như CĐCS thị trấn La Hai, CĐCS xã Xuân Sơn Bắc… Chủ tịch CĐCS xã Xuân Quang 2 Trần Thị Ánh Nguyệt bày tỏ: “Anh chị em cán bộ xã chúng tôi phần lớn xuất thân từ nông dân nên còn nhiều lúng túng trong hoạt động công đoàn. Qua nhiều lần tập huấn, hỗ trợ chuyên môn của công đoàn cấp trên, đến nay, đơn vị đã đi vào hoạt động có nề nếp”.
Theo ông Hà Thành Chung, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đồng Xuân, bên cạnh những mặt đã làm được, hoạt động của tổ chức CĐCS xã còn bộc lộ những hạn chế. Phần lớn cán bộ CĐCS xã là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, hoạt động kiêm nhiệm, khối lượng công việc chuyên môn lớn nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động công đoàn. Đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở thường xuyên có những biến động, kể cả cương vị chủ tịch CĐCS. Bên cạnh đó, cán bộ CĐCS xã, thị trấn hoạt động còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm nên hạn chế đến chất lượng hoạt động của tổ chức; đoàn viên CĐCS phân bố ở nhiều bộ phận, nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau nên có khó khăn nhất định trong quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua.
Một ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động công đoàn xã là ở một số xã, nhất là các xã miền núi, xa trung tâm huyện lỵ, đi lại còn nhiều khó khăn nên việc tham gia hội họp, tập huấn kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động, lĩnh hội chủ trương, chỉ đạo hoạt động của công đoàn cấp trên còn nhiều hạn chế. Ông Phạm Hoàng Vũ, Chủ tịch CĐCS xã Xuân Sơn Bắc, nói: “Lương công chức cấp xã vẫn còn rất thấp nên đời sống anh em khá chật vật. Hầu như ai cũng mang gánh nặng gia đình, lo làm thêm để kiếm thu nhập nên khó có thể toàn tâm cho hoạt động công đoàn. Trong khi đó, phụ cấp và kinh phí dành cho hoạt động này vẫn chưa tương xứng nên rất khó kích thích sự đầu tư công sức của cán bộ”.
Hiện nay, bất cập mô hình CĐCS xã vẫn còn khá nhiều. Bởi thế, cần phải có chế độ, chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ CĐCS xã tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Xây dựng CĐCS xã vững mạnh cũng chính là góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. “Cần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và sớm có những chế độ chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ để công nhân viên chức, lao động ở cơ sở gắn bó, tin cậy hơn vào tổ chức công đoàn”, ông Hà Thành Chung cho biết.
THÁI NGỌC