Thứ Sáu, 29/11/2024 12:31 CH
Về đất Tổ Vua Hùng
Thứ Tư, 09/04/2014 10:30 SA

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

 

Câu ca ấy vọng mãi trong tâm thức của suốt nhiều thế hệ người Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc và cả kiều bào ta ở nước ngoài.

 

den-hung2-140408.jpg

Cổng vào Khu di tích Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh - Ảnh: T.QUỚI

Đến đây, mọi người dân nước Việt không thiên về yếu tố du lịch hành hương thông thường, mà nó mang một tâm thức thiêng liêng. Khi đặt những bước chân qua cổng đền, bước những bậc đá đã mòn vẹt, bóng nhẵn bởi chân người đến đây lễ bái, trong ký ức tôi bỗng ùa về những bài học, câu chuyện lịch sử về sự tích bánh chưng, bánh dày, Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Sơn Tinh Thủy Tinh… và suy ngẫm về tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng.

 

MỘT LẦN DÂNG HƯƠNG TIÊN TỔ

 

Một dịp công tác Hà Nội, trong khi chờ chuyến bay muộn một ngày, tôi quyết định một mình “hành hương” về đất Tổ. Rất may là có các bạn đồng nghiệp Báo Phú Thọ (Báo Phú Thọ, Báo Phú Yên là 2 đơn vị kết nghĩa) hướng dẫn. Với quỹ thời gian lưu lại ít ỏi, các anh Báo Phú Thọ quyết định đưa tôi đi lễ viếng hết Khu di tích Đền Hùng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Hùng, núi Cả, Hy Cương, Nghĩa Cương…) để thỏa lòng người con phương Nam với đạo thờ tổ tiên.

 

Hôm tôi đến, không phải ngày lễ, càng không phải ngày Giỗ Tổ, nhưng khách thập phương vẫn nườm nượp hướng về núi Nghĩa Lĩnh. Từ trung tâm TP Việt Trì mất chừng 20 phút ô tô, chúng tôi đã đến cổng khu di tích. Đền Hùng là đây! Hình ảnh cổng đền vẫn cổ kính, uy nghi dưới chân núi Nghĩa Lĩnh như trong sách giáo khoa ngày nào giờ đang ở ngay trước mặt. Một cảm giác bồi hồi, lâng lâng khó tả.

 

Đến được Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng, đi đủ 3 đền Hạ, Trung, Thượng, vào tận hậu cung, vòng qua giếng Ngọc… với tôi là một dịp may.

 

Từ chân núi, chúng tôi bắt đầu hành trình dâng hương, lễ viếng qua các đền và được chiêm ngưỡng các di tích kiến trúc cổ.

 

Suốt hành trình, chúng tôi đi trên những con đường quanh co với nhiều bậc tam cấp dưới tán rừng nhiệt đới, cây cối xanh tươi, trong đó còn nhiều cây đại thụ như chò, thông, gụ… vút thẳng lên trời cao. Trong tâm thức tôi, về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam!

 

NGHĨ VỀ NGÀY GIỖ TỔ

 

Trong “Các công trình nghiên cứu Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, cố giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Nghĩa đồng bào, lập quốc bằng hợp nhất; vì nước quên mình; trừ bạo an dân; đạo thờ tổ tiên và thờ cúng anh hùng. Đó là những vũ khí tinh thần, vũ khí văn hóa cơ bản nhất của người Văn Lang đã sáng tạo, những vũ khí đó góp phần cứu Văn Lang sau hơn ngàn năm Bắc thuộc đã không bị đồng hóa, lại được hồi sinh với bản sắc đậm đà hơn, sinh lực dân tộc mãnh liệt hơn”.

 

Nếu coi tín ngưỡng là nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có lẽ là nét văn hóa đậm nét nhất về quan niệm sống, cách đối nhân xử thế của con người Việt Nam. Tính độc đáo tiêu biểu trong “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO vinh danh nằm ở chính tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Việc coi quốc gia - dân tộc như một “gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, gia tộc để tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam là điều không phải quốc gia nào cũng có. Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa cho đến ngày nay đã, đang bảo tồn và phát huy nét đẹp này cho muôn đời sau, mặc cho cuộc sống hiện đại có nhiều thách thức về vật chất. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một sự tự nguyện, tự giác, đồng tâm, nhất trí của cả dân tộc, toàn thể đồng bào. Đó không phải điều gì cao xa, bí ẩn mà bản thân nó là sự thành kính dân dã, gần gũi với mọi người dân ngay từ cách gọi tên: Giỗ Tổ!

 

Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, giá trị lớn nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự kết hợp giữa đạo lý uống nước nhớ nguồn, tục thờ cúng tổ tiên ở các gia tộc, dòng họ, thể hiện biểu tượng cội nguồn dân tộc. Từ đó tạo nên sức mạnh vượt lên trên tất cả, đến mức triều đại nào cũng thực hành, vun đắp cho biểu tượng cội nguồn đó. Đây là một tư tưởng, triết lý, minh triết vượt lên trên sự khác biệt triều đại và thời đại.

 

Đền Hùng thuộc đất Phong Châu, vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Toàn bộ Khu di tích hài hòa trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đầy khí thiêng của sơn thủy hội tụ.

 

Đền Hùng được xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia vào năm 1962. Đến năm 1967, Nhà nước đã quyết định khoanh vùng xây dựng khu rừng cấm Đền Hùng. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng lần thứ nhất, tạo tiền đề cho việc đầu tư xây dựng nhiều công trình, hạng mục trong khu di tích. Ngày 6/1/2001, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngày 10 tháng 3 âm lịch trở thành ngày Quốc Giỗ, ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek