Trong lòng mỗi người dân Việt Nam luôn sâu nặng ý nguyện hướng về tổ tiên, nòi gIống, như cha ông đã nói “con người có tổ có tông”. Tổ tông của dân tộc ta, theo truyền thuyết dân gian và theo cổ sử, đó là thời đại các Vua Hùng. Trong hệ thống truyền thuyết dân gian là truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng, nở thành trăm người con, 50 người theo cha về vùng biển, 49 người theo mẹ ngược lên vùng núi, người con cả ở lại Phong Châu lấy hiệu là Hùng Vương.
Hệ thống thư tịch về Hùng Vương xuất hiện khá muộn, mãi đến thế kỷ XV, thời nhà Lê, Quốc Tổ Hùng Vương mới được lập “ngọc phả”, chính thức hóa trên phương diện lịch sử và hằng năm tổ chức thờ phụng. Ngày nay, Đảng và Nhà nước đã đặt Giỗ Tổ Hùng Vương thành quốc lễ, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa thời đại các Vua Hùng.
Tư tưởng hướng về cội nguồn, ý thức cố kết quốc gia, dân tộc thể hiện rõ trong đôi câu đối trước cổng đền Hùng:
“Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn quy bản tích
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn”
Dịch nghĩa
“Mở lối, đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối,
Lên cao, nhìn khắp, trập trùng đồi núi cháu con đông”
Cùng với biểu tượng và việc thờ cúng các Vua Hùng là huyền thoại về “tứ bất tử” (bốn vị thánh bất tử): Thánh Gióng tượng trưng cho sức mạnh chống ngoại xâm, Thánh Tản Viên (hay Sơn Tinh) tượng trưng cho sức mạnh chinh phục tự nhiên, Chử Đồng Tử tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sự sung túc, Thánh mẫu Liễu Hạnh tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức…
Đó còn là truyền thuyết về 99 ngọn núi Hồng là hình tượng 99 con voi hướng về chầu vua Tổ Hùng Vương, còn con voi duy nhất không chịu quy thuận đã bị chém đầu.
Các sự tích và huyền thoại trên trở thành những sản phẩm tinh thần như một bản hùng ca được truyền tụng mãi đến mai sau. Đó là những cột mốc, những nhân tố cơ bản tạo nên ý thức dân tộc buổi đầu hình thành quốc gia tự chủ, một nét độc đáo của văn hóa Việt Nam.
Sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Hồ Chủ tịch trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô đã ghé lại đền Hùng kính báo với tổ tiên, đồng thời căn dặn thế hệ kế tiếp: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Năm 72 tuổi, Hồ Chủ tịch lại lên viếng mộ Tổ. Nhiều người lo cho sức khỏe của Bác, đề nghị Người không phải leo 525 bậc lên đền Thượng, vì như vậy cả lên và xuống Bác phải bước qua hơn một nghìn nấc thang gập ghềnh. Nhưng Bác không chịu, tiếp tục đi lên và nói: “Đã đi là phải tới đích”.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay dù đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, nhưng vẫn còn lắm khó khăn, thử thách, thế hệ con cháu nguyện nhớ lời Bác dặn: “Đã đi là phải tới đích”.
BẰNG TÍN