Sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo là một thực tế và đang trở thành một yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền đã nhận định như vậy về những ảnh hưởng do sự chồng chéo, dàn trải trong chính sách giảm nghèo.
Tham gia ý kiến xây dựng báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, các đại biểu cho rằng sự chồng chéo trong chính sách giảm nghèo do chưa có sự phân định rõ trong thiết kế các chương trình, dự án. Các chính sách được nhiều bộ, ngành đề xuất ban hành và nhiều cơ quan cùng thực hiện nhưng thiếu sự phối hợp nên dẫn đến sự chồng chéo. Trong một văn bản quyết định ban hành thường quy định nhiều chính sách; một nội dung chính sách có khi lại được quy định trong các quyết định khác nhau, có chính sách ban hành theo đối tượng, có chính sách ban hành theo lĩnh vực, có chính sách ban hành theo vùng địa lý…
Để khắc phục cơ bản tình trạng này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất các chính sách giảm nghèo cần được thiết kế mang tính hệ thống, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hình thành duy nhất một chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo chung để ưu tiên nguồn lực cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn buôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số. Đối với các chính sách cụ thể, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 78 của Chính phủ về chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo hướng tích hợp các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện hành thành chính sách cho vay tín dụng ưu đãi lấy đối tượng hộ gia đình làm trung tâm.
(TTXVN)