Mới đây, đoàn công tác của Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội có chuyến khảo sát và làm việc tại Phú Yên về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Báo Phú Yên phỏng vấn GS-TS Hồ Trọng Ngũ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội xoay quanh nội dung này.
* Thưa giáo sư, ông đánh giá như thế nào về công tác thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường của tỉnh Phú Yên trong những năm qua?
GS. TS Hồ Trọng Ngũ - Ảnh: T.THẢO
- Có thể nói, việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) của tỉnh Phú Yên khá tốt. Minh chứng cụ thể là, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về BVMT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về BVMT trên tất cả lĩnh vực. Đồng thời, việc ký cam kết với hàng trăm người đại diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thực hiện; mô hình thi đua “Sản xuất, kinh doanh gắn với môi trường bền vững” thực hiện hiệu quả; xây dựng các mô hình BVMT trong cộng đồng dân cư, tổ chức cho người dân hưởng ứng các hoạt động về môi trường…
Bên cạnh đó, trong xây dựng các quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành trong phạm vi thẩm quyền phê duyệt của tỉnh đều khuyến khích thực hiện lập đánh giá môi trường chiến lược. Hàng năm, tỉnh đều thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường, đánh giá hiện trạng môi trường… qua đó kịp thời phát hiện ô nhiễm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo cũng được quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường ngày càng được kiện toàn và nâng cao năng lực…
* Hiện nay, vấn đề BVMT có rất nhiều mối quan tâm, nhất là bảo vệ tài nguyên rừng. Theo ông, cần có giải pháp căn cơ gì để bảo vệ rừng, vừa đảm bảo vấn đề an sinh?
- Nó có 2 khía cạnh của 1 vấn đề. Chính sách an sinh cho người dân ở các tỉnh có rừng thời gian qua chưa được tính toán thật căn cơ nên thực hiện chưa tốt. Khi cuộc sống người dân khó khăn, mà tài nguyên rừng đem lại ích rất cao nên dẫn đến việc xâm phạm rừng. Như vậy là vi phạm pháp luật. Nhưng đó chỉ là một phương diện thứ yếu, điều quan trọng là việc thực thi pháp luật bảo vệ rừng của người dân chưa nghiêm. Khó khăn thì khó khăn chung, nhưng nếu cho rằng khó khăn mà vi phạm pháp luật là không được. Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất là cần tăng cường công tác thực thi pháp luật, đấu tranh mạnh mẽ với hành vi làm trái pháp luật. Đồng thời, theo phản ánh của cử tri, lực lượng kiểm lâm trên toàn quốc thực hiện vai trò bảo vệ rừng chưa thật tốt. Có nhiều khó khăn trong việc trang bị, biên chế, chính sách và nhất là việc chế tài đối với những trường hợp vi phạm, nhưng chế tài, xử lý hành vi vi phạm là phương diện không phụ thuộc vào khả năng chủ quan của lực lượng này. Cốt lõi là cá nhân từng cán bộ kiểm lâm phải biết tự kiểm soát mình, không vi phạm pháp luật, không tiếp tay cho các đối tượng xấu vi phạm pháp luật. Đặc biệt, những trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm minh, nếu không, rừng sẽ bị tàn phá nhanh, hậu quả khôn lường. Đó là chưa kể đến việc nếu có trường hợp bảo kê, bảo trợ cho phá rừng thì rất nguy hiểm. Phú Yên thì chưa có nhưng cần phải quan tâm…
HĐND tỉnh giám sát việc xử lý rác thải tại bãi rác Thọ Vức của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Phú Yên - Ảnh: T.THẢO
* Riêng với Phú Yên, để thực hiện tốt hơn chính sách pháp luật BVMT trong thời gian tới, theo ông cần lưu ý những vấn đề gì?
- Tôi lưu ý một vài vấn đề cần quan tâm trong thời gian đến. Đó là, đối với các cơ sở, doanh nghiệp sau khi ký kết các cam kết BVMT nhưng không thực hiện cần phải xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời, tăng cường kiểm tra và quy kết trách nhiệm. Việc BVMT là trách nhiệm chung của tất cả các sở, ban, ngành, chứ không phải khoán trắng cho Sở TN-MT và Công an tỉnh. Đến thời điểm này, Phú Yên chưa có vấn đề lớn về môi trường nhưng vài năm nữa dự báo nền kinh tế phát triển năng động hơn thì sẽ phát sinh vấn đề môi trường. Đây là vấn đề tồn tại, phát triển bền vững, liên quan đến cuộc sống của con người và môi sinh. Đặc biệt, trong Hiến pháp mới có quy định là quyền của công dân được sống trong môi trường trong lành, an toàn. Do đó, đòi hỏi Nhà nước phải đảm bảo môi trường cho công dân. Theo đó, mọi cơ quan, ban, ngành cần phải thực hiện chức năng giám sát, tự giám sát và phối hợp tốt với cơ quan quản lý môi trường, công an thực hiện công tác môi trường, khi đó vấn đề BVMT mới thật sự hoàn thiện.
Ngoài ra, cần tham khảo ý kiến của người dân khi thực hiện chương trình, dự án liên quan đến môi trường. Nếu xử lý không tốt vấn đề lấy ý kiến nhân dân sẽ dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là khai khoáng.
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)