Nói đến công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) là nói đến bảo vệ tính mạng con người và bảo vệ thiết bị máy móc, tài sản trong sản xuất công nghiệp. Và hơn ai hết, tự thân người lao động, chủ doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức về ATVSLĐ-PCCN.
Công nhân làm việc tại một nhà máy trong KCN An Phú được trang bị bảo hộ lao động để an toàn trong sản xuất - Ảnh: N.HÂN
Chủ đề chính của Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16 năm 2014 (từ 16 đến 22/3) là “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”. Theo đó, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã phối hợp với Công đoàn Khu Kinh tế, Sở LĐ-TB-XH và các ngành chức năng tổ chức phát động hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó tập trung kiểm tra công tác bảo hộ lao động, hướng dẫn 100% doanh nghiệp ở các khu công nghiệp (KCN) ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ-PCCN. Ông Tô Văn Khải, Phó chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế cho biết: “Hiện 3 KCN của tỉnh có 62 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất với khoảng 5.600 lao động. Chính vì vậy, công tác ATVSLĐ-PCCN luôn được đặt lên hàng đầu để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người lao động. Theo đó, hàng năm, Công đoàn Khu kinh tế phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên và các ngành chức năng tổ chức phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN; thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người lao động và người sử dụng lao động tại 3 KCN trong việc khắc phục các nguy cơ mất an toàn, nguy cơ đe dọa đến tính mạng và sức khỏe người lao động, không để xảy ra tai nạn lao động, nhất là trong ngành công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ”.
Theo ông Hồ Hồng Nam, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, qua các đợt kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN và ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Các thông số kỹ thuật và quy trình sản xuất an toàn; các máy móc, thiết bị, vật tư; các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đều được đăng ký, kiểm định theo định kỳ tại các cơ quan có thẩm quyền. Hầu hết các đơn vị cũng đã thực hiện bảo hộ lao động, chế độ trợ cấp độc hại cho người lao động, bảo đảm các trang thiết bị cần thiết trong PCCN; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, như cung cấp nước uống sạch, xây dựng nhà ăn tập thể, phụ cấp độc hại và thực hiện đầy đủ chế độ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi.
“Ngành xây dựng là một trong những ngành có nguy cơ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, phương châm làm việc của chúng tôi là an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, ông Phan Văn Nhơn, Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên (KCN An Phú) cho biết. Với tiêu chí đảm bảo sức khỏe để làm việc hiệu quả, hiện nay các phân xưởng của công ty này đều được quy hoạch rộng rãi, thông thoáng bảo đảm ATVSLĐ-PCCN. Cán bộ y tế của công ty luôn túc trực để sơ cứu khi xảy ra sự cố trong sản xuất. Ngoài ra, công ty còn thường xuyên thực hiện đăng kiểm, đo đạc các tiêu chuẩn về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, tiếng ồn, bụi… trong phân xưởng và nơi có người lao động làm việc; thực hiện tốt việc trang bị phương tiện bảo hộ lao động như quần áo, mũ, giày, găng tay, khẩu trang… cho người lao động.
Ở Công ty cổ phần Xăng dầu - Dầu khí Phú Yên, công nhân lao động và chủ doanh nghiệp cũng chấp hành nghiêm về bảo hộ lao động và quy trình sản xuất, vì đây là ngành nghề sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ rất cao. Hàng năm, các nhân viên của đơn vị đều được tập huấn về PCCN, quy trình lao động đảm bảo không sơ xuất, đặt dưới sự quản lý chặt chẽ về chuyên môn và giám sát của các cơ quan chức năng, trong đó có Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an Phú Yên. Đối với những đơn vị như: Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa (Tây Hòa), Xí nghiệp chế biến Song mây xuất khẩu (KCN Hòa Hiệp), Công ty TNHH Phân bón NPK Phú Yên (KCN Đông Bắc Sông Cầu)… bên cạnh việc bảo đảm an toàn trong PCCN, các chủ doanh nghiệp cũng có chế độ phụ cấp độc hại cho người lao động theo quy định của pháp luật, như: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trang bị quần áo, giày, mũ mềm, găng tay bảo hộ lao động, khẩu trang phòng chống bụi, chống độc; thực hiện đăng kiểm đo đạc môi trường lao động; lập hồ sơ vệ sinh lao động; có phương án phòng cháy chữa cháy, PCCN...
Ông Trần Minh Pháp, Phó phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH), một trong những thành viên của đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: 15 đơn vị được kiểm tra trong Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN vừa qua đều là những đơn vị có sử dụng nhiều lao động và thuộc nhóm “có nguy cơ cháy, nổ cao”. Tuy nhiên, ý thức của người lao động và chủ doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ, thành lập và huấn luyện về phòng cháy chữa cháy ở nhiều đơn vị chưa cao; có mặt chưa đảm bảo an toàn. Cụ thể, Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOCEV (Sông Hinh) về tiếng ồn vượt mức cho phép; không thành lập hồ sơ ATVSLĐ. Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hoàng Long ViNa (KCN Hòa Hiệp) chưa tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; chưa thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên và chưa thực hiện chế độ phụ cấp làm việc trong môi trường độc hại...
Theo ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN tỉnh, ngoài kiểm tra trong Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN; hàng năm, ngành LĐ-TB-XH cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên theo phương pháp thanh tra viên phụ trách và giải quyết các ý kiến, kiến nghị từ người lao động nhưng vẫn không xuể. Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Phất, bên cạnh việc kiểm tra giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp (buộc doanh nghiệp ký cam kết về bảo đảm ATVSLĐ tại chỗ, khi xảy ra sự cố phải báo cáo ngay), tự thân người lao động, doanh nghiệp sử dụng lao động cần phải nâng cao nhận thức về ATVSLĐ-PCCN, xây dựng kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp khi có tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng xảy ra. Đừng để sự việc đã rồi mới khắc phục hậu quả mà phải thực hiện theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
THÁI NGỌC