Thứ Sáu, 11/10/2024 09:21 SA
Tận dụng vận hội “cơ cấu dân số vàng” đưa đất nước đi lên
Thứ Sáu, 07/03/2014 08:30 SA

Sau 50 năm kiên trì và đẩy mạnh KHHGĐ, Việt Nam đang vào mùa gặt hái thành công. Nếu đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, mỗi bà mẹ sinh hơn 6 con thì ngày nay trung bình mỗi bà mẹ chỉ sinh bằng 1/3 so với trước đây. Việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ chú trọng số lượng sang chú trọng chất lượng. Ðây thật sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở nước ta trong nửa thế kỷ qua.

 

dan-so-vang140307.jpg

Giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy lợi thế “dân số vàng” - Ảnh: T.DIỆU

Dưới góc độ kinh tế, dân số thường được chia thành 2 nhóm: Nhóm “trong độ tuổi lao động” (từ 15 đến 64 tuổi) và nhóm “dân số phụ thuộc” (bao gồm trẻ em dưới 15 tuổi và người từ 65 tuổi trở lên). Mức sinh giảm mạnh nên so với năm 1979, tỉ lệ trẻ em trong tổng số dân đã giảm gần một nửa, từ 43% nay còn khoảng 24%. Ðiều này làm cho tương quan giữa 2 nhóm dân số nói trên thay đổi căn bản. Nếu năm 1979, cứ 100 lao động có tới 90 người “phụ thuộc” thì đến năm 2006 giảm xuống 50, năm 2012 chỉ còn 44.

 

Khi tương ứng với 100 lao động chỉ có 50 “phụ thuộc” hoặc ít hơn, người ta nói một cách hình ảnh rằng, đây là “cơ cấu dân số vàng”. Cơ cấu này quý, vì lao động nhiều, phụ thuộc ít, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế. Cơ cấu này hiếm, vì nó chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 30 đến 40 năm trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia. Do đó, nó đúng là quý và hiếm.

 

Trước hết, trong thời kỳ “dân số vàng”, mô hình “mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con” trở nên phổ biến nên quy mô gia đình nhỏ. Nếu năm 1979, trung bình mỗi hộ có 5,2 khẩu thì đến năm 2012, con số này chỉ còn 3,7. Kết quả điều tra mức sống dân cư nhiều năm qua đều khẳng định: Quy mô gia đình càng nhỏ thì thu nhập và tiêu dùng bình quân 1 người/ tháng càng cao. Trên bình diện vĩ mô, thời kỳ này, sự gia tăng dân số tiếp tục được kiềm chế, dân số dần ổn định. Trước đây, dân số tăng nhanh, có tính “bùng nổ”, với tỉ lệ tăng trên 3%/năm. Giai đoạn cơ cấu dân số vàng, dân số sẽ tăng không đáng kể, chỉ dưới 1%! Do vậy, sẽ hạn chế được quy mô dân số. Một so sánh thực tế để thấy rõ điều này: Năm 1990, Việt Nam có 69 triệu dân còn Ethiopia có 48 triệu thì đến năm 2013, Việt Nam có 90 triệu dân, còn Ethiopia có tới 94 triệu! Việt Nam, hiện có mật độ dân số cao gần 6,5 lần mật độ dân số thế giới.

 

Ðặc điểm nổi bật trong thời kỳ “cơ cấu vàng” là dân số có khả năng lao động (15 đến 64 tuổi) chiếm tỉ lệ cao, hiện nay khoảng 69% tổng dân số. Như đã nói ở trên, Việt Nam hiện có 90 triệu dân. Nếu cơ cấu dân số như năm 1979, thì năm nay, nước ta chỉ có gần 47,5 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng trên thực tế, con số này lên đến 62,1 triệu, tức là tăng tới gần 15 triệu người so với số liệu giả định! Ðây là dư lợi lớn của “dân số vàng” cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.

 

Tuy nhiên, theo tổng điều tra dân số 2009, lao động Việt Nam tập trung nhiều trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, năng suất thấp. Tỉ lệ lao động được đào tạo từ sơ cấp trở lên còn rất thấp, mới khoảng 14,6% và mất cân đối theo hướng “thừa thầy, thiếu thợ”. Rõ ràng, đào tạo, tái cơ cấu đào tạo và chuyển đổi nghề cho hàng chục triệu lao động là một thách thức lớn.

 

Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” đang mang lại cơ hội lớn cho việc vượt qua thách thức này để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Gia đình ít con, thu nhập tăng và áp lực dân số lên hệ thống giáo dục đã được tháo gỡ.

 

Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, số trường đại học, cao đẳng và số sinh viên đã tăng hơn 2 lần! Ðầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước, vào loại cao trên thế giới. Kết quả này tạo điều kiện để Việt Nam phát triển giáo dục từ chiều rộng sang chiều sâu. Ngày nay, gia đình có thể cho con trai và con gái đi học như nhau. Hiện nay, ở tất cả các cấp học, tỉ lệ nữ đã ngang bằng với nam giới.

 

Sinh đẻ ít, có học vấn, được đào tạo, tuổi thọ cao, phụ nữ - một nửa dân số trong độ tuổi lao động sẽ tham gia hoạt động kinh tế nhiều hơn, chất lượng hơn góp phần tạo nên lực lượng lao động dồi dào, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bình đẳng giới. Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, việc nâng cao tỉ lệ tham gia hoạt động kinh tế của phụ nữ là chìa khóa hồi sinh kinh tế của đất nước này.

 

Ðể đưa đất nước đi lên, phát triển bền vững, tránh được “bẫy thu nhập trung bình” và đương đầu được với thách thức dân số “siêu già” của thời kỳ “hậu dân số vàng”, cần tận dụng những vận hội do “cơ cấu dân số vàng” mang lại, thông qua đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao, cả ở trong và ngoài nước, hạn chế tiêu dùng xa xỉ, để nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư. Mỏ vàng không khai thác thì còn, “cơ cấu dân số vàng”, nếu không khai thác thì sẽ hết. Bởi vậy, nhận rõ, nắm bắt và tận dụng cơ hội này càng sớm, càng tốt, không chỉ là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, quản lý mà còn là của mỗi người dân.

 

GS,TS NGUYỄN ÐÌNH CỬ

(Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Trường đại học Kinh tế Quốc dân)

(Theo ND)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek