Thứ Sáu, 11/10/2024 09:25 SA
Hiện đại hóa hoạt động hành chính:
Cần đầu tư đồng bộ
Thứ Sáu, 07/03/2014 07:35 SA

Việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động hành chính Nhà nước thời gian qua, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên để tăng mức độ hài lòng của người dân, cần nhiều nguồn lực đầu tư hơn nữa.

ung-dung-1140307.jpg

Ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính của bộ phận “một cửa” ở UBND xã An Phú (TP Tuy Hòa) - Ảnh: P.NHÃ

HIỆU QUẢ TÍCH CỰC

 

Từ năm 2011, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đầu tư nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu theo hướng công nghệ điện toán đám mây, các phần mềm “một cửa” điện tử, quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử… để các cơ quan nhà nước của tỉnh sử dụng nhằm giảm bớt áp lực kinh phí cho địa phương trong việc đưa ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính; đồng thời giảm rủi ro trong quá trình đầu tư cũng như tạo chính sách thu hút, phối hợp với doanh nghiệp trong công tác triển khai các ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước theo Quyết định 1605/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Trung tâm Tích hợp dữ liệu đã hoạt động ổn định đáp ứng một phần năng lực điều phối hoạt động tác nghiệp và điều hành nội bộ các cơ quan nhà nước trên internet, đảm bảo công tác quản trị và an toàn thông tin cho toàn hệ thống của tỉnh. Đặc biệt, cổng thông tin điện tử UBND tỉnh tích hợp 24 trang tin thông tin điện tử của UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành và đã được nâng cấp theo quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến tại Nghị định 43/CP của Chính phủ. Đồng thời, tích hợp với các dịch vụ công mức độ 2 thuộc lĩnh vực mình quản lý, cung cấp các tin, bài về tình hình kinh tế - xã hội, góp phần minh bạch hóa thông tin, công khai các thủ tục hành chính và đang thử nghiệm cung cấp dịch vụ công mức độ 3.

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, 9/9 UBND cấp huyện trong tỉnh được trang bị các phần mềm quản lý văn bản và điều hành có kết nối với các văn phòng UBND cấp xã; 16/21 sở, ngành trang bị các thiết bị để triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành; phần mềm chuẩn hóa văn bản quản lý nhà nước cấp xã đã được triển khai tại địa chỉ riêng chuyên cung cấp các văn bản mẫu hỗ trợ quản lý điều hành các đơn vị hành chính cấp xã; 100% xã, phường, thị trấn được kết nối internet; truyền hình trực tuyến đã được đầu tư ở 11 điểm cầu. Việc triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 được hầu hết các cơ quan hành chính trong tỉnh thực hiện tốt các chủ trương và kế hoạch đề ra. Ngoài ra, cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc và hộp thư đạt 87%... đã góp phần minh bạch hóa thông tin, công khai hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

 

Ông Trần Hiền, Phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, cho biết: “Hiện đại hóa hành chính làm cho mức độ hài lòng của người dân tăng lên rõ rệt, tiết kiệm thời gian, giấy tờ, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần được đầu tư đồng bộ. TP Tuy Hòa đang hướng đến mô hình “một cửa liên thông hiện đại”, trong đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT và sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, đã có dịch vụ chuyển thủ tục qua bưu điện đến tận nhà dân”. Còn theo ông Ngô Anh Tính (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa): “Bây giờ làm thủ tục kinh doanh rất nhanh, chỉ cần vài thao tác trên máy tính, cán bộ nhà nước đã giúp tôi hoàn thành công việc”.

CÒN THIẾU ĐỒNG BỘ

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hiện đại hóa hành chính vẫn còn những khó khăn cần tiếp tục đầu tư để nâng cao hiệu quả. Cụ thể, kinh phí đầu tư của Trung ương và đối ứng của địa phương theo các chương trình, kế hoạch thấp, không đáp ứng với nhu cầu thực tế; việc triển khai các ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị chưa nhiều và sâu rộng, chưa có những ứng dụng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; triển khai đầu tư và ứng dụng các phần mềm trong quản lý hành chính nhà nước thiếu thống nhất, chưa đồng bộ, chỉ triển khai riêng lẻ trong từng đơn vị dẫn đến khó khăn cho việc kết nối liên thông. Đồng thời, nhận thức của các cơ quan về bảo mật an toàn, an ninh thông tin chưa cao, nhiều cơ quan chưa xây dựng các quy định về an toàn an ninh thông tin. Ngoài ra, một số cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh đã có trang thông tin điện tử nhưng chất lượng cung cấp thông tin trên trang còn kém, chậm, không phản ánh đầy đủ thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của sở, ngành mình và chưa đảm bảo tính thuận tiện trong truy cập, khai thác thông tin; dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 1, 2 chưa được thực hiện nhiều. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lãnh đạo các cấp, ngành chưa quan tâm đầy đủ và kết hợp chặt chẽ quá trình ứng dụng CNTT với cải cách hành chính; các cơ quan nhà nước chưa gắn việc ứng dụng CNTT với xử lý công việc hàng ngày, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác…

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự, tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với Trung ương để công tác này ngày càng phát triển. Đó là, Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi, thay thế Quyết định 93 về ban hành quy chế thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; Bộ Nội vụ có hướng dẫn, xây dựng mô hình thống nhất về tổ chức bộ phận “một cửa, một cửa liên thông cấp huyện” và ứng dụng CNTT, phần mềm điện tử dùng chung để các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định 130, Nghị định 43 và điều chỉnh định mức phân bổ dự toán chi ngân sách đối với các cơ quan hành chính nhà nước để phù hợp với tình hình thực tế…

Theo Kế hoạch 50 của tỉnh, đến năm 2015: 100% các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của tỉnh áp dụng có hiệu quả ISO 9001:2008; tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” ở tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước các cấp theo quy định của Chính phủ; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo chức danh; 60% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học trở lên; 70% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện trên mạng điện tử; một số dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 tới người dân và doanh nghiệp.

 

PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek