Chủ Nhật, 13/10/2024 15:20 CH
Khi người khuyết tật mưu sinh
Thứ Sáu, 17/01/2014 14:00 CH

Nhiều người ở xã Sơn Nguyên (Sơn Hòa) ngưỡng mộ trước sự vượt khó vươn lên của 2 anh Nguyễn Thượng Nghĩa và Trần Minh Tùng. Khó khăn trong việc sinh hoạt hàng ngày, song với nỗ lực bản thân và sự giúp đỡ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, họ đã có cuộc sống gia đình đầm ấm, có của ăn của để.

 

nghia-1130117.jpg

Anh Nghĩa gắn bó với nghề điện 20 năm - Ảnh: T.THỦY

1. Quầy sửa và buôn bán hàng điện Trọng Nghĩa nằm trên mặt đường chính ở thôn Nguyên An luôn đắt khách. Chủ nhân của nó là một người khuyết tật tên Nguyễn Thượng Nghĩa, năm nay 43 tuổi.

Tuy chân bị yếu nhưng anh Nghĩa trông nhanh nhẹn, hoạt bát. Anh cho biết: “Lên 3 tuổi, tôi bị cơn sốt bại liệt, chân trái không thể đi được. Vào mùa lạnh, chân hay bị co rút. Năm 24 tuổi, tôi lập gia đình”. Cưới nhau, anh mở tiệm sửa chữa điện gia dụng nho nhỏ tại nhà, còn chị thì làm nông. Hiện nhà anh có 7,5 sào mía. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai bảo, hết mùa mía, hết mùa nhổ sắn thuê, chị ở nhà phụ anh việc mua bán.

Anh Nghĩa chuyên mua bán và sửa chữa ti vi, amply, lắp đặt dàn karaoke vi tính, điện gia dụng… Không chỉ làm tại chỗ, anh còn thường tới tận nhà khách hàng để sửa chữa, lắp đặt khi họ yêu cầu. Anh kể: “Mới lớp 9, tôi phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vậy là tôi học và làm nghề sửa xe đạp, rồi chuyển sang học hàn gió đá, gió hơi. Làm những nghề ấy trong một thời gian ngắn, tôi quyết tâm tham gia học bài bản kỹ thuật sửa điện cơ vì tôi rất thích nghề này”.

Việc buôn bán quầy điện dân dụng, anh giải thích: “Thời gian đầu, khi Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam cho 30 triệu đồng để mở hàng điện nhằm gây quỹ Hội Người khuyết tật xã, tôi đứng ra đảm nhận bán theo kiểu chia phần lời. Sau đó, do việc ghi sổ chi li khi bán từng con ốc, vít gây khó khăn, nên tôi đề xuất cách làm lâu dài, đó là tôi chủ động tự kinh doanh và mỗi năm trả cho hội 2,4 triệu đồng”. Với cá nhân anh, từ khi được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam hỗ trợ 4 triệu đồng (năm 2006), anh đầu tư vào việc mua linh kiện sửa chữa đồ điện. Cũng từ đó, anh có đủ linh kiện thay thế, phục vụ khách hàng nhanh hơn. Anh Nghĩa nói: “Trước kia ai đưa sửa cái gì thì tôi kiểm tra và đi mua đồ về thay nên ít nhất 2 ngày mới trả lại cho khách. Nay, nhờ có linh kiện sẵn nên việc sửa chữa rất nhanh, đáp ứng được nhu cầu của khách trong thời gian ngắn. Nghề này tôi làm quanh năm, đắt nhất là vào tháng Chạp”.

Anh tự trang bị cho mình chiếc máy vi tính và nối mạng internet. Anh Nghĩa bảo: “Qua mạng, tôi đọc và học những công nghệ mới. Trung bình mỗi tháng tôi thu nhập khoảng 4 triệu đồng để trang trải chi tiêu và lo cho 2 con ăn học chu đáo”.

tung-kt-sn140117.jpg

Ngoài giờ bán cà phê, anh Tùng còn sửa xe đạp phục vụ bà con miền núi - Ảnh: T.THỦY

2. Sinh năm 1973, lên 4 tuổi Trần Minh Tùng bị cơn sốt bại liệt làm hai chân bị teo cơ. Quê ở Quảng Ngãi, anh cùng gia đình vào Nguyên Cam (Sơn Nguyên) lập nghiệp. Cuộc sống của anh tuy có khó khăn trong sinh hoạt nhưng với sự nỗ lực không ngừng, anh đang có một gia đình hạnh phúc, kinh tế ổn định.

Buổi trưa, quán cà phê nhà anh không còn khách hàng. Gia đình anh quây quần bên mâm cơm ấm áp. Vợ anh - chị Nguyễn Thị Kiều Hương từ xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) lên Sơn Nguyên hồi mười mấy tuổi làm nghề bán cà phê. Ai cũng bảo họ có duyên nên vợ nên chồng bởi anh vừa bị tật nguyền và còn hơn chị đến 15 tuổi, nhưng chị không bận tâm đến điều đó. Chị thương anh chịu khó làm ăn, tính tình ôn hòa. Đôi vợ chồng này có bé trai 6 tuổi rất kháu khỉnh. Ngoài giờ đến trường, con trai luôn quanh quẩn bên cha mẹ và tạo nhiều tiếng cười trong gia đình. Anh Tùng nhìn vợ, nhìn con trong ánh mắt ngập tràn hạnh phúc.

Quán cà phê nho nhỏ nhà anh tuy không đắt khách như trước đây, nhưng theo anh Tùng quán còn thu hút khách bởi khi đến đây họ được ngắm chim cảnh và nghe những bản nhạc trữ tình theo yêu cầu. Quán còn phục vụ các loại nước giải khát.

Không chỉ buôn bán, anh Tùng còn làm nghề sửa xe đạp. Anh bảo, nghề này theo anh từ lâu. Bây giờ ít người đi xe đạp nhưng ai cũng bỏ nghề thì lấy ai sửa xe cho bà con nghèo, nhất là các cháu học sinh. Góc sửa xe của anh đặt bên hiên nhà. Khi phục vụ khách uống nước xong, anh tranh thủ “chữa bệnh” cho xe, vừa lấy đó làm niềm vui, vừa kiếm thêm thu nhập.

Còn chị Hương vào mùa mía thì bám trụ trên rẫy, sau vụ mùa ở nhà phụ chồng buôn bán. Chị bảo: “Có thể ai đó nhìn vào thấy thương tôi, nhưng tôi nghĩ miễn sao vợ chồng cùng đồng tâm xây dựng gia đình hạnh phúc là được”.

Anh Tùng bộc bạch: “Hồi còn độc thân, tôi được Hội Người khuyết tật xã Sơn Nguyên đến tư vấn cách làm ăn và hỗ trợ 3 triệu đồng từ kinh phí của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam để tôi mở quầy bán tạp hóa. Cũng từ đồng vốn ấy, tôi dần có cuộc sống ổn định, rồi lập gia đình và trụ mãi ở đây”.

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek