Thứ Ba, 15/10/2024 13:11 CH
Ðồng Xuân: Tích cực phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thứ Sáu, 20/12/2013 15:00 CH

Xây dựng và triển khai mô hình Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống góp phần nâng cao chất lượng dân số đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành dân số huyện Ðồng Xuân đang hướng tới. Trong đó, những phần việc trọng tâm là: tăng cường chăm sóc SKSS/KHHGÐ phù hợp với địa bàn dân cư; nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ các tập quán lạc hậu về hôn nhân để phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng.

 

nghe-tu-van131220.jpg

Tuyên truyền dân số cho người dân thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân) - Ảnh: CTV

Với 10 xã và 1 thị trấn, dân số huyện Đồng Xuân hiện có hơn 61.000 người, người dân tộc thiểu số chiếm 16,4% thành phần dân cư và phần đông là người Chăm H’roi. Theo số liệu điều tra từ các ban DS-KHHGĐ xã, thị trấn năm 2013: có 76/109 trường hợp tảo hôn là người dân tộc thiểu số, chiếm gần 70% các cặp tảo hôn, trong đó có 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Hậu quả là trong số các cặp kết hôn sớm có đến 19 trường hợp sinh con hoặc nuôi con bị suy dinh dưỡng và 2 trẻ bị thiểu năng trí tuệ. Tình trạng này phổ biến ở các xã: Xuân Quang I, Xuân Quang II, Xuân Lãnh, Đa Lộc, Phú Mỡ.

 

Ông Lê Văn Cư, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đồng Xuân cho biết: “Giao thông ở huyện Đồng Xuân vốn khó khăn, cách trở nhất là vào mưa lũ. Dân cư sống rải rác, kinh tế còn khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số sớm nghỉ học. Đây được xem là nguyên nhân chính gây nên tình trạng tảo hôn xảy ra nhiều nơi trên địa bàn huyện Đồng Xuân. Thêm vào đó, do tập tục của một số dân tộc cho phép kết hôn cận huyết cũng là vấn đề trăn trở của ngành dân số huyện”.

 

Phú Mỡ là xã xảy ra tình trạng tảo hôn nhiều nhất. Trong năm 2013, cả xã có 25 trường hợp tảo hôn, chiếm gần 23% trên tổng số trường hợp tảo hôn trên địa bàn huyện. Ở đây, chủ yếu là người Chăm H’roi sinh sống, trẻ gái nghỉ học sớm sợ để lớn tuổi sẽ “ế chồng” nên bắt chồng sớm. Cha mẹ hai bên cũng chẳng phản đối việc này vì để nhà mình có tiền cưới và có thêm người lao động. Hầu hết người dân ở đây không hiểu biết Luật Hôn nhân gia đình và những chế tài trong việc xử phạt kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống.

 

 Anh Sô Minh Bợn, cán bộ chuyên trách dân số xã Phú Mỡ cho biết: “Mặc dù, Ban DS-KHHGĐ xã đã có những buổi truyền thông tuyên truyền chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhưng hiệu quả chưa cao. Các buổi sinh hoạt chưa hấp dẫn, cán bộ dân số vẫn còn thiếu kỹ năng thuyết phục người tham gia”.

 

Ông Lê Văn Cư cho biết thêm, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đồng Xuân tăng cường phối hợp lồng ghép truyền thông chuyển đổi hành vi phòng chống tảo hôn ở nhóm đối tượng đang sinh hoạt ở các hội phụ nữ, nông dân, người cao tuổi trên địa bàn huyện. Chúng tôi triển khai một cách đồng bộ, kiên trì và liên tục đến các thôn, buôn; đẩy mạnh tuyên truyền vận động trên các kênh truyền thanh của huyện chuyên mục dân số 2 lần/tháng. Về lâu dài, nâng cao chất lượng nhóm đồng bào dân tộc thiểu số về thể chất, tinh thần mới là cách hiệu quả nhất giúp việc phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được bền vững. Huyện Đồng Xuân xác định vị thành niên/thanh niên là nhóm đối tượng trực tiếp quyết định tới việc kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống nên đã triển khai nhiều chương trình để nhằm trang bị kiến thức đầy đủ nhất về SKSS cho các em. Trong đó, đề án Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; sinh hoạt Câu lạc bộ Cha mẹ và vị thành niên/thanh niên về SKSS/SKTD được xem là giải pháp tích cực hiệu quả.

 

Vừa qua, các chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (tổ chức phi chính phủ) mở đợt tập huấn cán bộ dân số cơ sở toàn diện từ kỹ năng mềm tiếp cận và thuyết trình trước công chúng; cung cấp kiến thức về SKSS/SKTD và phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống một cách đầy đủ và hệ thống giúp cho cán bộ dân số có thể vững vàng và tự tin hơn trong công tác tuyên truyền; phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức khám và quản lý sức khỏe cho vị thành niên/thanh niên bao gồm các buổi khám, tư vấn trực tiếp về: lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân; các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tình dục và sức khỏe tình dục…

 

Bên cạnh đó, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tiếp tục phối hợp với các trường từ cấp THCS trở lên giảng dạy không chỉ kiến thức về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống mà còn khuyến khích các em không nên bỏ học vì chỉ có đi học, các em mới có tương lai xán lạn đón chờ ở phía trước.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mất mùa cúc tết
Thứ Sáu, 20/12/2013 14:00 CH
Ksor Y Tốt giỏi tuyên truyền
Thứ Sáu, 20/12/2013 13:00 CH
Phú Yên được phân bổ hơn 1,7 tỉ đồng
Thứ Sáu, 20/12/2013 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek