Nghị quyết 85 của HĐND tỉnh Phú Yên về quy định số lượng, mức thù lao đối với Đội công tác xã hội tình nguyện (CTXHTN) tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh vừa có hiệu lực thi hành đã tạo hành lang pháp lý để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Binh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên về những quy định này.
Tuyên truyền phòng ngừa các tệ nạn xã hội cho người dân xã Ea Trol (Sông Hinh)- Ảnh: T.THẢO
* Ông có thể cho biết sự cần thiết của việc có Đội CTXHTN tại xã, phường, thị trấn?
- Hiện nay, các tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp nên việc có Đội CTXHTN tại xã, phường, thị trấn vừa góp phần thực hiện mục tiêu chủ trương xã hội hóa công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại cơ sở, vừa hỗ trợ tích cực những đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng. Đội CTXHTN có vai trò tham gia tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS ở xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, những tình nguyện viên này còn là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, làm “mềm hóa” mối quan hệ hành chính giữa chính quyền và các đối tượng vi phạm tệ nạn xã hội, tuyên truyền làm thay đổi phần nào nhận thức, sự kỳ thị của người dân đối với người mại dâm và người nghiện ma túy…
* Vậy tiêu chuẩn đối với thành viên Đội CTXHTN là gì, thưa ông?
- Đội CTXHTN là một tổ chức tự nguyện gồm những người tham gia công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại xã, phường, thị trấn, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Thông tư liên tịch 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Thành viên của Đội CTXHTN là những công dân đang cư trú hoặc làm việc trên địa bàn xã, phường, thị trấn tự nguyện tham gia công tác phòng chống tệ nạn xã hội. Cụ thể, người từ đủ 18 tuổi trở lên, đảm bảo sức khỏe, có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có thời gian cư trú tại xã, phường, thị trấn từ 6 tháng trở lên hoặc đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn cấp xã nơi Đội CTXHTN hoạt động (không bao gồm công chức) tự nguyện tham gia Đội CTXHTN.
* Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Đội CTXHTN là gì, thưa ông?
- Đội CTXHTN hỗ trợ UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn; hoạt động theo quy chế được chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt. Nhiệm vụ cụ thể của Đội CTXHTN, bao gồm: Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng; tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma túy cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng; phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, mua bán người để báo cho các cơ quan chức năng xử lý và có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm; tham gia thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn như xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, bình đẳng giới, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội; tham gia thực hiện lồng ghép công tác phòng chống tệ nạn xã hội với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội và các phong trào khác trên địa bàn.
* Vậy số lượng, cơ cấu, mức thù lao đối với Đội CTXHTN tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được quy định như thế nào, thưa ông?
- Theo quy định, mỗi xã, phường, thị trấn được thành lập 1 Đội CTXHTN với số thành viên: 5 người/đội đối với xã và 6 người/đội đối với phường, thị trấn. Cơ cấu gồm: 1 đội trưởng, 1 đội phó và các thành viên. Mức thù lao hàng tháng đối với Đội CTXHTN được quy định cụ thể: Đội trưởng là 0,6 lần mức lương cơ sở; đội phó là 0,5 lần và thành viên của đội là 0,4 lần mức lương cơ sở. Mức thù lao hàng tháng, UBND cấp xã lập dự toán cùng với dự toán chi ngân sách hàng năm theo Luật Ngân sách Nhà nước.
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)