Trung tâm Nghiên cứu và chế biến cây thuốc Đà Lạt (18 Hoàng Văn Thụ, Vạn Thành, TP Đà Lạt) hiện đang bảo tồn và nhân giống thông đỏ, một thảo dược quý dùng để điều chế ra chất taxol - được coi là có khả năng chống lại bệnh ung thư. Điều đáng nói ở đây là hầu hết cán bộ, công nhân làm việc tại trung tâm là người Phú Yên.
Vườn thông đỏ ở trang trại Vạn Thành - Ảnh: CTV
TỪ KHÓ KHĂN ĐẾN THỦY CHUNG VỚI NGHỀ
Theo ông Đinh Xuân Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chế biến cây thuốc Đà Lạt, khoảng 10 năm trước, trung tâm là nơi tập trung đông đảo kỹ sư, dược sĩ, công nhân đến từ mọi miền đất nước. Nhưng giờ đây, những người làm công việc trồng, bảo tồn các loài cây thuốc quý phục vụ nghiên cứu y học của trung tâm đa số là người Phú Yên.
Gia đình anh Nguyễn Văn Toàn và chị Nguyễn Thị Phường (xã Hòa Mỹ Đông, Tây Hòa) là những người làm việc có thâm niên ở đây. Từng là công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai nhưng vì mắc chứng đau cột sống nên anh Toàn đưa gia đình lên Đà Lạt sinh sống. Đến vùng đất mới, anh Toàn vừa làm việc vừa chữa bệnh nhưng bệnh vẫn không khỏi hẳn.
Để tăng thêm thu nhập, gia đình anh Toàn đã san khu đất dốc bỏ hoang cạnh trung tâm để trồng rau. Nhờ đó, gia đình anh Toàn có nguồn thu nhập đáng kể, ổn định được kinh tế. Trong 7 năm liền, gia đình anh gắn bó với trung tâm và anh chị được được cơ quan khen thưởng là công nhân lao động giỏi.
Chia sẻ về công việc của mình, anh Toàn cho biết: “Làm việc ở đây lương không cao mà bệnh tật lại đeo bám nên nhiều lúc tôi cũng thấy nản. Nhưng rồi vì cuộc sống nên tôi cố gắng bám trụ. Với lại, tôi thấy việc mình làm rất có ích đối với y học, với những người mắc bệnh. Quan trọng hơn là tạo được môi trường tốt để các con noi theo, chăm lo học hành”.
KIÊN TRÌ VỚI CÂY THÔNG ĐỎ
Công việc hằng ngày của những kỹ sư, công nhân người Phú Yên là chăm sóc cây thông đỏ từ 4 đến 6 năm tuổi, trồng mới thông con tại trang trại thông đỏ Tà Nung và Vạn Thành. Cứ vài tháng, họ cắt lấy những cành thông đỏ non để đưa vào xưởng sấy. Nguồn thông đỏ trên được đưa về Trung tâm Sâm và Dược liệu ở TP Hồ Chí Minh (thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế) chiết tách được tinh chất hoạt chất taxol. Hiện tại, trung tâm đã có 7ha thông đỏ cho thu hoạch và đang tiến hành trồng thêm 5 đến 7ha tại trang trại Tà Nung.
Nhớ lại những ngày đầu băng đèo lội suối đi tìm thông đỏ giống, kỹ sư Nguyễn Văn Tôn, Phó phòng Kỹ thuật trung tâm chia sẻ: “Tôi và những người đồng hương Phú Yên lặn lội cả tuần trong những cánh rừng núi Voi thuộc cao nguyên Langbiang để tìm kiếm giống cây thông đỏ. Trước đây thông đỏ mọc nhiều ở đây nhưng bị khai thác nhiều nên giờ rất hiếm. Còn những cây thông đỏ cổ thụ thì đã bị chặt trước đó do nạn phá rừng. Đến khi tìm được, chúng tôi mang về nhân giống thì cây chết hàng loạt. Cứ mỗi lần thất bại như thế, chúng tôi phải làm lại từ đầu”.
Tìm được cây giống, giâm để cây đâm chồi, mang đi trồng là cả một quá trình khó khăn. Vì vậy mỗi ngày, từ kỹ sư đến công nhân ở đây phải làm việc bền bỉ dưới cái nắng, mưa lạnh để chăm sóc cây trên từng mét vuông nhỏ. Ông Vương Chí Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chế biến cây thuốc Đà Lạt cho biết: “Trung tâm đang trong thời kỳ khó khăn do thiếu nguồn nhân lực. Nhờ đội ngũ kỹ sư, công nhân người Phú Yên mà công việc được tiến hành trôi chảy. Về lâu dài, chúng tôi vẫn phải tiếp tục đầu tư mở rộng trồng cây thông đỏ vì tác dụng của nó đối với người bị bệnh ung thư ngày càng được khẳng định”.
Mỗi năm Việt Nam có 150.000 bệnh nhân ung thư và phải nhập khẩu taxol từ nước ngoài để điều trị nên việc khai thác nguồn dược liệu thông đỏ trong nước ngày càng trở nên cần thiết. Trong khi cuộc sống còn khó khăn, những người Phú Yên ở Đà Lạt vẫn bền bỉ với công việc tạo ra những vườn thông đỏ phục vụ cho y học. Đây là một công việc đáng trân trọng.
HUỲNH LUÂN