Những năm gần đây, huyện Sông Hinh tích cực triển khai chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) được nhiều gia đình hưởng ứng và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Người lao động tìm hiểu thông tin để tham gia XKLĐ - Ảnh: K.CHI
HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU
Nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Sông Hinh không chỉ dựa vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước mà còn có chủ trương khơi dậy ý chí tự vươn lên của chính bản thân người nghèo, đặc biệt thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Theo số liệu của Phòng LĐ-TB-XH huyện, từ đầu năm đến nay đã có 14 lao động đi xuất khẩu sang các nước Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến nay, Sông Hinh có gần 50 lao động đang tham gia chương trình XKLĐ, chủ yếu là ở các xã Ea Lâm, Sơn Giang và thị trấn Hai Riêng. Có thể thấy đề án hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thu hút người lao động nơi đây. Ông Lê Ngọc Thiện, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh cho biết: Người dân xã Ea Lâm đăng ký XKLĐ nhiều sang Malaysia vì thị trường này không “khó tính”, chi phí thấp. Hơn nữa, ngôn ngữ của đồng bào ở đây có thể tiếp xúc được với phần lớn người bên nước bạn nên họ không cần phải đào tạo ngoại ngữ, tiết kiệm được chi phí. Được biết toàn bộ lao động đi làm việc tại các nước đều được các ngân hàng tạo điều kiện để vay vốn, không có trường hợp nào không xuất cảnh được vì lý do không được vay tiền.
Trong ngôi nhà khang trang mới xây, Mí Đớt ở buôn Bai, xã Ea Lâm hồ hởi nói: “Trước đây cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn. Vợ chồng tôi không có việc làm ổn định, chỉ chờ vào ít lúa và mấy con bò nên thu nhập bấp bênh, lo ăn còn chưa xong chứ chưa nói đến chuyện xây nhà mới. Đến đầu năm 2012, khi có chương trình XKLĐ, chúng tôi đã bàn bạc và quyết định để chồng tôi đi XKLĐ sang Malaysia. Nhờ chịu khó làm ăn, tích góp từ số tiền anh gửi về nên chúng tôi đã trả nợ ngân hàng, xây được ngôi nhà, mua sắm các vật dụng cần thiết cũng như chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”. Còn anh Nay Y Lộc cũng ở buôn Bai, chia sẻ: “Sau khi được nghe tuyên truyền phổ biến những điều kiện cũng như lợi ích của việc XKLĐ, nhất là nhìn thấy những người cùng buôn đi XKLĐ gửi tiền về giúp vợ con, tôi quyết định đi XKLĐ trong năm nay”.
GÓP PHẦN XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO
Công tác XKLĐ đã và đang giúp rất nhiều người dân ở huyện Sông Hinh nói riêng, cũng như toàn tỉnh nói chung, từng bước xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế có được cuộc sống ổn định. Hầu hết các lao động sau khi đi xuất khẩu đều có thu nhập ổn định, chỉ sau 2 đến 3 tháng là đã có một khoản tiền để gửi về gia đình. Hiện nay, số người đi XKLĐ vẫn còn thấp, nguyên nhân chủ yếu là các lao động người dân tộc thiểu số có tâm lý ngại xa gia đình, một bộ phận thỏa mãn với cuộc sống hiện tại không muốn vươn lên. Vì vậy, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nghề và thị trường XKLĐ cho những người có nhu cầu, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ kịp thời vốn vay cho người đi xuất khẩu lao động.
Theo ông Nguyễn Tài Soa, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) thời gian qua, sở đã phối hợp với cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp XKLĐ tiến hành triển khai hoạt động tuyên truyền, tư vấn về XKLĐ tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh; đưa các thông tin về các thị trường XKLĐ, thu nhập, hướng dẫn cho người lao động về thủ tục tuyển chọn, vay vốn, khám sức khỏe, làm hộ chiếu, dạy nghề, ngoại ngữ và định hướng nghề nghiệp. Phần lớn số người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đều có thu nhập khá, tích lũy được vốn gửi về cho gia đình góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Thực tế trên cho thấy, công tác xuất khẩu là bước đi đúng, có hiệu quả thiết thực trong công cuộc giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
KIM CHI