Chủ Nhật, 24/11/2024 10:12 SA
Dân số Việt Nam tròn 90 triệu người:
Cơ hội và thách thức
Thứ Sáu, 01/11/2013 14:00 CH

Ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam tròn 90 triệu người. Đến thời điểm hiện tại, đây là con số phản ánh kết quả thắng lợi của công tác dân số/KHHGĐ. Có thể nói, những thành quả đạt được tạo ra nhiều lợi thế và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cần phải hành động vì chất lượng dân số của 90 triệu người dân Việt, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

 

hoc-sinh131101.jpg

Chính sách sinh ít con tạo điều kiện cho quyền bình đẳng giới trong giáo dục - Ảnh: T.DIỆU

Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam xác định chỉ tiêu quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015 và 98 triệu người vào năm 2020. Với việc đạt 90 triệu người vào ngày 1/11/2013, dân số trung bình của năm 2015 sẽ khoảng dưới 91,5 triệu người, thấp hơn gần 1,5 triệu người. Lịch sử phát triển dân số Việt Nam ghi nhận những mốc phát triển dân số quan trọng: Năm 1960, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 đến 49 tuổi) sinh 6,4 con. Năm 2002, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về chính sách dân số, mức sinh giảm xuống 2,28 con. Năm 2006, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) và mức sinh này đã được duy trì cho đến nay. Kết quả này cho thấy, cuộc vận động xây dựng gia đình sinh ít con để nuôi dạy cho tốt đã thực sự có hiệu quả.

 

THÀNH TỰU NỔI BẬT

 

Giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” (ít nhất có 2 người trong tuổi lao động “nuôi” 1 người trong độ tuổi phụ thuộc) là cơ hội trong phát triển kinh tế đất nước. Việt Nam đã có được cơ cấu “dân số vàng” từ năm 2007. Giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 30 đến 35 năm. Điều này cho thấy gánh nặng đối với dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm và ở giai đoạn này, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, ổn định nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế.

 

Thành tựu tiếp theo là tuổi thọ của người Việt Nam tăng đáng kể. Năm 1960, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 40 tuổi, đến năm 2012 là 73 tuổi - là thành tựu nổi bật trong công tác dân số.

 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, các chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe sinh sản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trước tiên, mức chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm đáng kể. Tỉ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (số trẻ dưới 1 tuổi chết/1.000 trẻ sinh sống) giảm đáng kể, từ 21‰ năm 2003 xuống còn 15,8‰ năm 2012. Tỉ suất chết mẹ (số phụ nữ chết do các biến chứng của mang thai và sinh đẻ/100.000 trẻ sinh sống) giảm từ 85/100.000 vào năm 2003 xuống 68/100.000 năm 2010. Tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại năm 2012 đạt mức 66,6%. Đây là những thành tựu của chương trình DS-KHHGĐ và cũng là mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã thực hiện thành công.

 

NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

 

Mỗi phụ nữ, từ chỗ sinh hơn 6 con đến nay chỉ sinh 2 con mang đến cả cơ hội và thách thức. Tác động của biến đổi quy mô, cơ cấu dân số đến tăng trưởng kinh tế. Có thể đánh giá được tác động này qua công thức sau: Tốc độ tăng GDP bình quân đầu người = Tốc độ tăng năng suất lao động + Tốc độ tăng lao động - Tốc độ tăng dân số. Qua đó, cho thấy mức sinh giảm đã đóng góp trung bình 1,19% vào tăng trưởng kinh tế hàng năm trong giai đoạn 1999-2009 và 0,2% giai đoạn 2009-2019.

 

Giảm sinh dẫn đến giảm số trẻ trong độ tuổi đi học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và bình đẳng giới trong giáo dục. Do ít con nên các gia đình có khả năng cho cả con trai và con gái đi học. Việc giảm hàng triệu học sinh phổ thông đã tháo gỡ áp lực dân số lên ngành Giáo dục, tạo nhiều điều kiện để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Tuy nhiên, nếu mức sinh tiếp tục giảm sâu, hiện tượng đi kèm là “già hóa dân số”. Khoảng sau năm 2030, lực lượng lao động tăng chậm gây nên sự biến đổi quy mô dân số và dân số già đi sẽ mang lại tác động làm chậm sự tăng trưởng kinh tế.

 

Mất cân bằng giới tính khi sinh có dấu hiệu tăng đáng kể từ năm 2006 đến nay. Năm 2012, tỉ số giới tính ở mức khá cao với 112,3 bé trai/100 bé gái (tỉ số bình thường là 103 đến 107 bé trai/100 bé gái). Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tình trạng này dường như chưa hề được khắc phục. Trong khi đó, số liệu của năm 2012 cho thấy, đa số phụ nữ mang thai (81,3%) đều biết giới tính thai nhi trước khi sinh. Cùng với tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn đang tồn tại thì sự lơi lỏng của ngành Y tế trong việc cho biết giới tính thai nhi đã góp phần làm tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là bài toán nan giải của ngành Dân số.

 

Cùng với cả nước, Phú Yên cũng là tỉnh đạt được các thành tựu với những cơ hội và thách thức trong công tác dân số. Ngành Dân số Phú Yên đang tích cực triển khai dự án Nâng cao chất lượng giống nòi một cách sâu rộng và phối hợp với các ban, ngành đoàn thể có liên quan thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ổn định quy mô và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

 

Luật Dân số đang được xây dựng dựa trên những bài học của 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về chính sách Dân số/KHHGĐ và 52 năm thực hiện Chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam và các kinh nghiệm quốc tế. Những thành công và bài học trong công tác dân số sẽ là động lực thúc đẩy phát triển bền vững bên cạnh những thành tựu kinh tế - xã hội.

 

Th.S ĐỖ THỊ NHƯ MAI

Phó chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek