Theo bản tin phát lúc 11 giờ 30 ngày 15/10 của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thì tâm bão đã qua Lào.
Một dãy nhà tạm tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) bị bão san bằng. -Ảnh: SGGP |
Trước đó, lúc 9 giờ 30 phút, do ảnh hưởng của bão số 11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có gió giật mạnh cấp 6 – 11, vùng gần tâm bão đi qua gió giật mạnh cấp 12 – 14. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6 – 9; các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 10 – 12. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 7 giờ sáng nay (15/10) khoảng 100 – 200mm, một số nơi có lượng lớn hơn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 396mm, Nam Đông (Huế) 345mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 340mm; A Lưới (Huế) 219mm.
Dự báo, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh. Đến tối và đêm nay (15/10), lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam và Kon Tum có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông ở nam Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Gia Lai lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2. Từ đêm nay, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng lên. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên.
Tại Đà Nẵng, bắt đầu từ 2 giờ khuya đêm qua, gió đã thổi rất mạnh. Đến 4 giờ sáng sớm nay, gió giật vào khoảng cấp 10. Hiện tại, bầu trời Đà Nẵng đã hửng sáng nhưng gió vẫn còn rất mạnh. Người dân hầu như ở trong các nơi trú ẩn an toàn. Hàng loạt nhà ven biển Mỹ Khê bị tốc mái và vỡ kính. Trên các tuyến đường chính của Đà Nẵng, cây cối ngã rạp. Đến 10 giờ 30 phút sáng nay, bão số 11 đã dịu lại, tuy nhiên mưa lớn khiến mực nước sông Hàn lên nhanh, nhiều tuyến đường của TP Đà Nẵng bị ngập nặng, nguy cơ về ngập lụt và sạt lở đang hiển hiện. Tại khu vực ven biển và ngay cả khu trung tâm, gió mạnh đã làm cho nhiều cây cối ngã đổ, các bảng hiệu, pa-nô quảng cáo chưa kịp gỡ bị gió thổi bay nằm lăn lóc trên đường. Nhiều khu vực ở Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà đã bị mất điện do đường dây bị đứt, trụ điện ngã đổ. sau hơn 8 giờ đồng hồ quần đảo, bão số 11 đã làm gãy đổ và trốc gốc gần như toàn bộ cây xanh trên các tuyến đường khiến giao thông ách tắc nghiêm trọng. Cho đến sáng nay, Đà Nẵng hoang tàn sau bão. Khắp các ngả đường thành phố, biển hiệu, mái tôn bị xới tung, dúm dó. Nhiều nhà dân bị tốc mái. Tủ lạnh, cây cảnh bị cuốn phăng ra giữa đường. Hệ thống lưới điện cũng bị đứt, ngã đổ khiến điện mất từ đêm hôm qua. Nước sinh hoạt cũng bị cắt trên toàn thành phố.
Cổng chào ở Vườn Tượng Hội An bị gió bão làm ngã - Ảnh: TTO
Tại Hội An, chiều 15/10, ông Lê Văn Giảng, chủ tịch UBND TP Hội An cho biết do thủy điện xả lũ nên dự báo trong chiều nay, nước sông Hoài sẽ lên mức báo động 3, có thể gây ngập lụt cả Hội An. Trưa 15/10, UBND TP Hội An đã chỉ đạo cho các địa phương tiến hành sơ tán hơn 1.500 người dân ở 8 phường ven sông Hoài có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn, tránh tình trạng thiệt hại về người. Ông Giảng cho biết thêm, hiện 7km tuyến đường ven biển Cửa Đại bị nước biển xâm thực mạnh gây xói lở, 10 khu resort ở ven biển đang bị sóng biển đe dọa. Cũng theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng
Cũng theo Ban chỉ huy PCLB, hiện trời đang mưa ở các vùng miền núi nên lưu lượng nước trong các hồ thủy điện trên thượng nguồn lớn. Sau khi bão tan, hàng ngàn hộ dân ở Quảng
Ngay khi bão ngớt, các lực lượng chức năng và người dân đã khẩn trương dọn dẹp đường phố, nhà cửa. - Ảnh: VGP
Tại Quảng Trị có gió giật từ cấp 9-10 cùng với mưa lớn. Tại tỉnh, tám người đã bị thương, nhiều căn nhà bị sập và tốc mái, cây cối gãy đổ ngổn ngang, nhiều địa phương bị mất điện vì bão. Tám người bị thương được xác định ở các huyện Vĩnh Linh (1 người), Gio Linh (2 người), Triệu Phong (4 người) và Hướng Hóa (1 người).
Từ khoảng 19 giờ ngày 14/10 đến 11 giờ ngày 15/10, gió mạnh cùng với mưa lớn đã làm ngập sâu từ 30-50cm tại nhiều tuyến đường ở thành phố Đông Hà như Lê Duẩn, Quốc lộ 9, Lê Lợi... Lượng mưa đo được phổ biến ở mức 60-90mm, đặc biệt ở Hải Sơn (Hải Lăng) lượng mưa lên đến 112mm. Tại huyện đảo Cồn Cỏ, mưa bão đã làm nhiều cột điện gãy đổ, đường dây hư hỏng gây mất điện. Nhiều trụ sở cơ quan, trường học và nhà dân vừa chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 10 chưa kịp sửa chữa hoặc vừa mới tu bổ lại cũng bị bão số 11 làm tốc mái, hư hại nặng. Hiện mưa lớn cùng gió bão tại Khe Sanh (Hướng Hóa) giật trên cấp 10 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân cũng như an toàn hồ đập.
Cột điện gãy đổ vì bão. - Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, theo báo cáo sơ bộ ban đầu của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến sáng 15/10, bão số 11 đã gây nhiều thiệt hại tại đây. Huyện đảo Lý Sơn là nơi chịu thiệt hại nặng nhất. Theo thống kê ban đầu, huyện đảo này có một người bị gãy chân do cây đổ trúng; 75 nhà và 5 trường học bị tốc mái; một thuyền bị chìm tại chỗ, ba thuyền khác bị hư hỏng do va chạm với nhau; hơn 150ha hoa màu bị hư hỏng. Tại các huyện Bình Sơn, Sơn Hà, Sơn Tây có 15 nhà ở bị tốc mái; hàng chục hécta cây keo bị ngã, đổ, gây ách tắc trên nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã; nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; hàng chục hécta hoa màu như hành, ngô vụ mùa bị ngã đổ.
Do một đoạn đường sắt Bắc-Nam qua TP Đà Nẵng bị hư hỏng, nên hiện có ba chuyến tàu đang phải tạm dừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. UBND tỉnh đang phối hợp với Ban quản lý đường sắt Quảng Ngãi có kế hoạch hỗ trợ nơi ăn, ở cho các hành khách. Hiện tại, hơn 700 người dân của 3 thôn Thanh Thủy, An Cường, Phước Thiện thuộc xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) sơ tán tránh sạt lở và triều cường trong đêm 14/10 đến sáng nay đã trở về nhà an toàn. Sáng nay, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo 3 tổ công tác và các thành viên tiếp tục xuống địa bàn để kiểm tra, triển khai công tác phòng, tránh bão, mưa, lũ và khắc phục hậu quả.
BTV (tổng hợp từ TTXVN, SGGPO, TTO)