Thứ Hai, 25/11/2024 13:38 CH
Bão số 11 làm 2 người chết, 2 người mất tích và 11 người bị thương
Thứ Ba, 15/10/2013 11:35 SA

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 11, hiện đã có 2 người chết tại Quảng Nam và 11 người bị thương tại Đà Nẵng.

bao1-131015.jpg

Các tấm tôn bay ngổn ngang đường phố ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng - Ảnh: TTO

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền cơ sở các tỉnh có bão đi qua phải tổ chức kiểm tra ngay nhà đổ, tốc mái, cứu trợ người bị thương; giải tỏa giao thông trên tuyến quốc lộ 1A khi ngớt gió. Các lực lượng cơ động tại địa phương ra quân dọn dẹp cây đổ để thông suốt giao thông phục vụ cho công tác chỉ đạo và cứu trợ. Điện lực miền Trung huy động tập trung lực lượng những vùng bị ảnh hưởng nặng để khắc phục kịp thời những vùng bị mất điện; ưu tiên khắc phục các bệnh viện, trường học. 

Các địa phương khẩn trương ổn định chỗ ở cho người dân; đảm bảo hàng hóa cung cấp cho thị trường sau bão; vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh; chuẩn bị đối phó với mưa lớn trong những ngày tới; chủ động hỗ trợ lương thực thiết yếu cho người dân. Ban Chỉ đạo tiền phương phòng chống bão 11 cho biết bão số 11 là cơn bão rất mạnh với tâm bão đã đi vào tỉnh Quảng Nam lúc 7 giờ sáng 15/10 với sức gió giật cấp 13, 14. 

Đến 8 giờ sáng 15/10, cơn bão đã suy yếu xuống cấp 8 và trong vài tiếng nữa sẽ thành một vùng áp thấp nhiệt đới. Hiện tại các địa phương từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đang mưa lớn từ 80mm đến 150mm. Tuy chưa có báo cáo chi tiết về tổng thiệt hại nhưng ghi nhận rất nhiều cây cối nhà cửa bị đổ, tốc mái ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... Quân khu 5 đã điều lực lượng đến các vùng bị thiệt hại nặng để giúp đỡ nhân dân. TP Đà nẵng hiện vẫn mất điện trên diện rộng, 2 nhà máy nước lớn nhất của thành phố là Cầu Đỏ và Sân Bay đã bị mất điện nên không thể vận hành, các lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục và sẽ có thể sử dụng máy phát điện để đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân.

bao2-131015.jpg

Tan hoang cây ngã, nhà tốc mái ở ở bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng - Ảnh: TTO

Trước đó, rạng sáng 15/10, cơn bão số 11 bắt đầu đổ bộ vào TP Đà Nẵng. Lúc 7 giờ ngày 15/10, tại Đà Nẵng, gió giật mạnh làm nhiều nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng nặng. Trên nhiều tuyến đường lớn như Quang Trung, Nguyễn Văn Linh, Yên Bái, Nguyễn Tất Thành... nhiều cây cổ thụ, cột điện bị đổ và mưa lớn làm ngập đường.

Trước đó, để kịp thới ứng phó với bão, vào 21 giờ ngày 14/10, Ban Chỉ đạo tiền phương đối phó với bão số 11 tại TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương chủ trì để chỉ đạo các địa phương tập trung cao độ chống bão.

bao3-131015.jpg

Hàng trăm bà con phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) co ro chịu đựng cơn bão dữ lúc 4g30 sáng 15-10 – Ảnh: TTO

Công ty Điện lực miền Trung đã lên phương án đảm bảo an toàn đường dây 500 KV và các nguồn điện dự phòng để không xảy ra mất điện trên diện rộng, đồng thời huy động lực lượng từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẵn sàng tăng cường khôi phục hệ thống điện sau khi cơn bão đi qua.

Tại Thừa Thiên – Huế, đến 8 giờ sáng 15/10, sau 10 giờ quần đảo liên tục, bão số 11 đã tàn phá bờ biển các xã Vinh Hiền, Vinh Hải, Vinh Giang... thuộc huyện Phú Lộc. Sóng biển đánh cao hơn 3m tràn qua bờ cát, nước biển đang tràn dần vào các khu dân cư. Người dân phải dùng bao tải cát để che chắn sóng. Tuy mưa đã giảm nhưng gió thổi rất mạnh, giật liên hồi. Nhiều cây xanh đã bị gió bão vặn gãy, rạp đổ. Một số ngôi nhà nợp mái tôn đã bị gió bão cuốn phăng. Từ trung tâm thị trấn Phú Lộc theo quốc lộ 1A dài khoảng 20km về thị trấn Lăng Cô, mưa mịt mù cộng gió bão giật trên cấp 10, hệ thống cây xăng hai bên đường đã được nhân viên bịt kín. Những đoàn xe dừng hẳn hai bên đường để tránh bão. Gió bão gầm rú dữ dội. Từng mảng mái tôn ở các căn nhà tạm ven đường bay lả tả. Biển quảng cáo đổ ngổn ngang. Điện lưới gần như bị cắt hoàn toàn. Thông tin bước đầu ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc có một người đàn ông khoảng 25 tuổi bị tôn chém gây thương tích. Ngoài ra, khoảng 20 nhà tốc mái, trong đó 15 nhà ở Lăng Cô, 5 nhà ở Lộc Vĩnh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng các phương tiện cứu hộ như xe ôtô lội nước, xuồng cao tốc, phao tập thể, áo phao cứu sinh, máy phát điện, hệ thống nhà bạt... đã và đang cắm chốt tại các vùng xung yếu để kịp thời xử lý những sự cố xảy ra. Ông Lê Ngọc Sanh, Phó Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH-TT&DL Thừa Thiên-Huế) cho biết, trên địa bàn hiện có 6.814 khách du lịch, trong đó có 3.615 khách quốc tế. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã di dời toàn bộ khách ở các vùng ven biển, vùng thấp trũng đến nơi an toàn.

Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cho học sinh trên địa bàn nghỉ học. Đồng thời, yêu cầu các trường học nhắc nhở học sinh không được đi lại trong lúc mưa bão, không được đi chơi ở sông, hồ, ven biển để đề phòng tai nạn đuối nước. Đồn Biên phòng Cảng Chân Mây thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên – Huế cho biết, đến đầu giờ sáng 15/10, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa tìm thấy thi thể của 2 anh em cô cậu ruột Nguyễn Hoài Nam (13 tuổi) và Nguyễn Văn Bảo (15 tuổi), cả hai đều trú huyện Phú Lộc, bị sóng cuốn.

Trong khi đó, để đối phó với cơn bão số 11, tỉnh Nghệ An quyết định xả lũ hồ Vực Mấu - một trong những hồ lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Rút kinh nghiệm việc xả lũ hồ Vực Mấu trong cơn bão số 10 gây ngập lụt trên diện rộng, thiệt hại cho thị xã Hoàng Mai trên 830 tỉ đồng, lần này Công ty thủy lợi Quỳnh Lưu và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão hồ Vực Mấu đã thông báo về việc xả lũ đến Ủy ban Nhân dân thị xã Hoàng Mai và các xã, phường trên địa bàn một cách chu đáo, đúng quy định. Hồ Vực Mấu bắt đầu xả lũ từ 9 giờ ngày 14/10/2013, từ cao trình mực nước 20,96m xuống 20,5m và xả ở cửa số 3, số 4 và sẽ tiếp tục xả lũ trong những ngày tới nếu lượng mưa tiếp tục tăng.

Công ty thủy điện Bản Vẽ cũng có thông báo về việc vận hành xả lũ hồ thủy điện Bản Vẽ đến Ủy ban Nhân dân huyện Tương Dương và một số xã nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao. Theo kế hoạch, hồ thủy điện Bản Vẽ sẽ bắt đầu xả lũ vào ngày 16/10/2013, với tổng lưu lượng xả từ 300 m3/s đến 1.000 m3/s. Đây là hồ thủy điện lớn nhất tỉnh Nghệ An nên việc xả lũ được các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương tiến hành một cách thận trọng, đúng quy trình, nhằm giảm đến mức các thiệt hại cho các địa phương.

Tỉnh Nghệ An hiện có 625 hồ đập, trong đó có 55 hồ có dung tích trên 1 triệu m3 nước; 11 hồ có dung tích nước trên 5 triệu m3 nước; còn lại là các hồ vừa và nhỏ. Đến sáng 15/10, tất cả các hồ đều đã đầy nước, để đảm bảo an toàn các hồ đập, hiện các công ty thủy lợi và ban quản lý các hồ đang tổ chức công tác tuần tra, canh gác; bổ sung lực lượng, phương tiện, vật tư để gia cố, sửa chữa ngay những vị trí bị rò rỉ, sạt lở đất đá; lên phương án xả lũ theo đúng quy trình.

Trong đêm 14/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa rất to, gió rất mạnh, đặc biệt là rạng sáng ngày 15/10, khi bão số 11 đổ bộ vào Quảng Nam với lốc mạnh kèm mưa to đã làm cho hàng nghìn ngôi nhà dân, trường học bị sập và tốc mái hư hỏng nặng; cây cối ngã đổ ngổn ngang đầy đường. Nhiều tuyến đường ở TP Tam Kỳ và Hội An bị ngập sâu trong nước.

Tại TP Tam Kỳ, cây cối ngã đổ đè lên nhà dân rất nguy hiểm. Mưa bão gây ngập lụt cục bộ nhiều tuyến đường. Tại nhiều đoạn ở đường Hùng Vương nước ngập từ 30cm đến 50cm, gây ách tắc giao thông cục bộ. Toàn tỉnh Quảng Nam đã mất điện từ đêm 14/10. Theo quan sát của phóng viên, hầu như trên các tuyến đường của TP Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, cây cối gãy đổ la liệt, kéo theo hệ thống dây điện bị cắt đứt. Trên địa bàn TP Tam Kỳ và những huyện lân cận như Phú Ninh, Núi Thành... đã có hàng ngàn ngôi nhà bị sập và tốc mái.

Trong đêm 14 và rạng sáng 15/10 nhiều người dân tại Phú Ninh và các xã vùng ven Tam Kỳ đã gọi điện đến Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn kêu cứu. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã điện đến một số cơ quan chức năng để hỗ trợ người dân trong mưa bão. Sáng 15/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tỏa đi đến hiện trường các địa phương bị thiệt hại do bão số 11 gây ra để trực tiếp chỉ đạo khắc phục, sớm đưa nhân dân ổn định cuộc sống.

Tại Quảng Trị, ông Lê Quang Lanh, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết tính đến 6 giờ sáng ngày 15/10, ngay sau bão số 11 đi qua địa phận đảo Cồn Cỏ với sức gió mạnh cấp 11, cấp 13, sóng biển dâng cao, một số công trình xây dựng trên địa bàn huyện đang được sửa chữa do bão số 10 gây thiệt hại vừa qua lại bị tốc mái. Toàn huyện đã bị mất điện. Đặc biệt, hệ thống đê kè chắn sóng biển bị sạt lở một đoạn dài. Rất may không có người thương vong.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 06 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 103,0 độ kinh đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) sáng nay có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 10, giật cấp 11, cấp 12. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 - 4 mét, sóng biển cao từ 6 - 10 mét.

Do ảnh hưởng của bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió giật mạnh cấp 11; đảo Cồn Cỏ gió giật mạnh cấp 9; ở Khe Sanh (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 10; ở Thuận An (Thừa Thiên Huế) có gió giật mạnh cấp 9; Nam Đông (Huế) có gió giật mạnh cấp 9, ở TP Đà Nẵng và Tam Kỳ (Quảng Nam) có gió giật mạnh cấp 10; ở Hội An (Quảng Nam) có gió giật mạnh cấp 11. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 04 giờ sáng nay (15/10) khoảng 80 – 150mm, một số nơi có lượng lớn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 373mm, Nam Đông (Huế) 246mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 220mm

BTV (tổng hợp từ TTXVN, SGGPO, VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek