Chính phủ vừa phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013- 2020 (gọi là Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020). Thực hiện đề án này, trong Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2013-2015, Sở LĐ-TB-XH Phú Yên đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp trẻ vượt qua khó khăn, từng bước hòa nhập cộng đồng.
Quan tâm, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt rất cần sự chung tay của cả cộng đồng - Ảnh: K.CHI
Thống kê của Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết, hiện số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm 7,5%, tổng số trẻ em toàn tỉnh. Thời gian qua, ngoài xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng cũng được triển khai đồng bộ. Việc tổ chức trao học bổng cho trẻ em nghèo, trợ cấp tiền, tặng quà cho trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi; tổ chức khám và chữa bệnh cho trẻ em bị tim bẩm sinh, trẻ khuyết tật nhằm giúp các em phát triển, hòa nhập cộng đồng cũng được các ngành các cấp trong tỉnh thường xuyên triển khai. Bà Trần Thị Kim Yến (huyện Tuy An) chia sẻ: “Cháu tôi mồ côi mẹ, cha đi làm ăn xa, tôi thì đã hơn 80 tuổi rồi nên chuyện ăn học của 2 đứa nhỏ phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ của xã hội. Mấy năm gần đây, các tổ chức và cá nhân đến thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ tiền xây dựng nhà, nên cuộc sống của 2 bà cháu đỡ vất vả hơn”. Còn chị Lê Thị Sắc (huyện Phú Hòa) nói: Con tôi bị bệnh tim bẩm sinh, nhiều năm qua, nhờ có các chương trình khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí nên con tôi đã qua cơn nguy kịch, chờ phẫu thuật lần 2. Mỗi ca phẫu thuật tim chi phí lên đến gần 100 triệu đồng, nếu không có sự hỗ trợ, chung tay của các tổ chức, cá nhân thì gia đình tôi khó lòng vượt qua.
Ông Nguyễn Bá Trắc, Phó phòng phụ trách Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết: Từ đầu năm đến nay, sở đã vận động các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ phẫu thuật cho 17 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện tim Tâm Đức TP Hồ Chí Minh, với tổng kinh phí 784 triệu đồng do tổ chức Chilldren action (Thụy sĩ) tài trợ 70%, gia đình đóng góp 30%; phối hợp tổ chức Chilldren action khám lọc bệnh cho trẻ em khuyết tật vận động cho 203 trường hợp, chỉ định phẫu thuật 46 trường hợp (đã phẫu thuật 29 trường hợp); phối hợp với tổ chức Operation Simle (OS của Mỹ) điều tra khám sàn lọc 74 trường hợp trẻ em bị sứt môi hở hàm ếch gửi nhà tài trợ chờ thông báo thời gian phẫu thuật. Bên cạnh đó, đơn vị cũng vận động kinh phí cấp học bổng năm học 2013-2014 cho học sinh nghèo hiếu học, trong đó Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tặng 120 suất trị giá 380 triệu đồng; Bảo Việt nhân thọ Phú Yên tặng 37 suất quà trị giá 23 triệu đồng; tổ chức Copi (tổ chức phi chính phủ Mỹ) tặng 200 suất quà trị giá 150 triệu đồng. Năm 2013, tỉnh phấn đấu có 80% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình, phục hồi chức năng, giáo dục và các dịch vụ cộng đồng; đến năm 2015 phấn đấu 100% số trẻ em bị bỏ rơi, bị mồ côi được chăm sóc.
Công tác chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em thuộc đối tượng dễ bị tổn thương cần có sự giúp sức của cộng đồng. Sự chung tay giúp sức ấy không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn, để các em vươn lên trong cuộc sống. Ông Vũ Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Cứu trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, nói: Hội luôn đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp trẻ khuyết tật, mồ côi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ khi trẻ có nhu cầu. Trẻ em rơi vào các trường hợp trên luôn nhận được sự hỗ trợ thông qua nhiều hình thức. Nhờ sự chăm lo từ gia đình và xã hội, nhiều trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt không còn mặc cảm, tự ti mà đã sống lạc quan, yêu đời hơn. Từ nay đến năm 2015, hội sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB-XH triển khai nhiều hoạt động trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó chú trọng trẻ bị bỏ rơi, mồ côi không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng; tổ chức các lớp hướng nghiệp giúp trẻ em lang thang, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tự tạo việc làm khi đến tuổi lao động và tiếp cận các phúc lợi xã hội khác.
Ông Nguyễn Bá Trắc cho biết thêm: Để chăm sóc, bảo vệ trẻ em theo đề án chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, cần sự tham gia của cả cộng đồng xã hội, nhất là gia đình trong việc chăm sóc để ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng; phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú. Truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng chăm sóc, trợ giúp các em tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật chăm sóc và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.
KIM CHI