* Nhiều tàu cá bị nạn
Sáng 12/10, bão NARI (cơn bão số 11) đã vượt qua đảo Ludong (Philippines) đi vào khu vực phía biển Đông. Hồi 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ vĩ bắc, 110,6 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 220km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km/giờ), giật cấp 15, cấp 16. Từ chiều tối ngày 14/10 các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1616 và cuộc họp trực tuyến ngày 13/10 về chỉ đạo đối phó bão số 11; thực hiện ý kiến chỉ đạo, kết luận tại cuộc họp bàn biện pháp đối phó với cơn bão số 11 của đồng chí Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy diễn biến của bão, các địa phương ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền về nơi tránh trú bão; tổ chức, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn, kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có ảnh hưởng của gió bão. Rà soát các phương án sơ tán, di dời dân với các cấp độ ảnh hưởng khác nhau của bão, lũ lụt khi xảy ra mưa lớn và mưa lớn cục bộ, nhất là dân cư vùng cửa sông, ven biển, vùng trũng thấp; vùng bị ảnh hưởng mưa lớn, triều cường, vùng sạt lở đất, lũ quét ở miền núi; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, thực hiện đóng biển và thông báo vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, xả lũ; tuyệt đối không để người, tài sản và gia súc, gia cầm trên các bãi bồi ven suối, sông trong mùa mưa lũ, kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành.
* Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến chiều 14/10 toàn tỉnh còn 89 tàu thuyền với 758 lao động đang hoạt động đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình và bộ đội biên phòng, đồng thời nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động tránh trú an toàn. Tàu cá PY92088TS của ông Nguyễn Văn Cháu và tàu cá PY90204TS của ông Nguyễn Công Đông (cùng ở phường 6, TP Tuy Hòa) đã đến nơi tàu cá PY92999TS bị nạn ngày 8/10 để chở người và trang thiết bị, ngư cụ. Hiện các tàu cứu nạn này đang ở tại đảo Đá Đông. Tàu cá PY95183TS do ông Lê Văn Lĩnh ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) làm thuyền trưởng đã lai dắt tàu cá PY91025TS của ông Lê Thanh Khang bị hỏng máy ở khu vực đảo Song Tử Tây đến nơi an toàn để khắc phục, sửa chữa.
* Đến sáng 14/10, toàn bộ thân tàu lai dắt xà lan mang số hiệu LA-05698TS, do ông Phạm Thanh Tiến (SN 1973, trú tỉnh Long An) làm thuyền trưởng đã bị sóng đánh vỡ, nhấn chìm hoàn toàn tại cửa biển Đà Rằng, phường 6, TP Tuy Hòa. Hiện tàu chỉ còn lại phần máy, láp và chân vịt, đang được Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng thuộc Đồn Biên phòng Tuy Hòa bảo vệ hiện trường, đồng thời thông báo cho ngư dân quanh vùng biết nếu ai nhặt được thiết bị, tài sản trên tàu LA-05698TS trôi dạt trên biển thì trả lại cho chủ phương tiện.
Trước đó, khi đang trên đường từ tỉnh Long An đến tỉnh Quảng Ngãi, lúc 13 giờ chiều 13/10, tàu LA-05698TS vào cửa biển Đà Rằng để tránh trú bão số 11 thì bị sóng đánh chìm, ước thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Rất may thuyền trưởng và thuyền viên Võ Văn Hiếu (SN 1981, trú tỉnh Kiên Giang) kịp bơi vào bờ an toàn.
Trong một diễn biến khác, ông Lê Tấn Danh, đại diện giám sát chủ đầu tư (UBND TP Tuy Hòa) cho biết, hiện Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu đang huy động hàng chục nhân công khẩn trương xây kè chống sạt lở bờ biển phía bắc Cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa. Đơn vị thi công đã gia cố hơn 50m kè bằng rọ đá để chắn sóng, còn lại khoảng 12m sẽ được hoàn tất trong ngày 16/10 tới. Theo bà Huỳnh Thị Kiến, chủ trại cá ở sát chân kè, qua nhiều ngày xâm thực, đến sáng 14/10, sóng biển đã lấn sâu vào bờ gần 6m, làm xập 20m2 nhà trại và đang tiếp tục gây xói lở móng.
A.NGỌC - P.NAM