Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, lúc 23 giờ ngày 2/10, cơ quan này đã ra lệnh đóng cửa van, ngăn nước lũ đổ vào đường hầm Nhà máy thủy điện La Hiêng 2; đồng thời rút toàn bộ lực lượng cứu hộ ra khỏi hiện trường, chờ nước rút sẽ tiếp tục tìm kiếm thi thể các nạn nhân còn lại.
Trước đó, khoảng 14 giờ 15 ngày 2/10, đội thợ lặn tiếp tục thâm nhập đường hầm, nhưng đến 17 giờ 15 vẫn chưa tìm thấy thi thể các nạn nhân còn lại. Do trời tối, áp lực không khí trong đường hầm lớn, ngột ngạt nên các thợ lặn buộc phải rút ra khỏi hầm để đảm bảo an toàn.
Do ảnh hưởng của bão số 10, từ đêm ngày 1 đến chiều 2/10, trên thượng nguồn và khu vực Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 có mưa lớn làm mực nước suối La Hiêng dâng cao. Lúc 7 giờ ngày 3/10, nước suối La Hiêng, vượt qua đập tràn thủy điện La Hiêng 2 hơn 20cm (đỉnh lũ thiết kế đập tràn 29,44m).
* Ngày 3/10, ông Hoàng Trọng Trọng, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, theo nhận định ban đầu, nhà thầu thi công đã cho xây đập tràn trước khi hoàn thành hạng mục đường hầm nhận nước là không đúng với quy trình thiết kế, dẫn đến khi nước lũ đổ về, suối La Hiêng bị chặn ngang dòng, đổ dồn vào đường hầm. Trong khi đó, hệ thống đường hầm đã đào được hơn 1.700m nhưng mới chỉ đổ bê tông được khoảng 30m tính từ miệng hầm, gây nguy hiểm trong quá trình thi công.
Còn theo ông Nguyễn Danh (cha ruột của nạn nhân Nguyễn Công Lệnh) lái xe vận chuyển đất, đá tại đường hầm, người chứng kiến vụ tai nạn vào tối ngày 26/9, thì lúc xảy ra tai nạn, không có người trực đóng van hầm; đài quan sát trên cửa hầm không có đèn pha chiếu sáng kiểm soát biến động mực nước suối La Hiêng; trong đường hầm không thấy lắp đặt còi báo động.
Từ thực tế trên, ông Trọng cho rằng, trách nhiệm này thuộc về cả chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị giám sát liên quan. Tuy nhiên, kết quả phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.
P.NAM - N.THẮNG