Chủ Nhật, 06/10/2024 17:21 CH
Hiện đại hóa hành chính:
Mang lại nhiều tiện ích
Thứ Sáu, 04/10/2013 08:04 SA

Cung cấp dịch vụ hành chính theo hướng hiện đại, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã gia tăng mức độ hài lòng cho người dân, tổ chức, giảm tải công việc cho cán bộ, công chức. Hiện Phú Yên đã có dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3.

 

ud-mot-cua131004.jpg

Bộ phận “một cửa” của xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) ứng dụng CNTT trong xử lý hồ sơ - Ảnh: T.THẢO

GiẢM ĐI LẠI, BỚT GIẤY TỜ

 

Để tăng cường sự liên thông, phối hợp giữa các cơ quan, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, các cấp trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), UBND tỉnh đã ban hành các quy định về trình tự tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đối với từng cấp, trong đó chú trọng công tác ứng dụng CNTT. UBND tỉnh cũng đã nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu theo hướng công nghệ điện toán đám mây; phần mềm một cửa điện tử, quản lý văn bản và điều hành; thư điện tử, lắp đặt đường truyền số liệu chuyên dùng… để các cơ quan sử dụng, tiện ích cho người dân, tổ chức, giảm chi phí, giảm thời gian.

 

Cải cách hành chính của Phú Yên thực sự chuyển biến khi tỉnh xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đầu tư ứng dụng CNTT thống nhất từ trên xuống dưới.

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, 9/9 UBND cấp huyện được trang bị các phần mềm quản lý văn bản và điều hành có kết nối với các văn phòng UBND cấp xã; 16/21 sở, ngành cũng được trang bị các thiết bị để triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% xã, phường, thị trấn được kết nối internet; truyền hình trực tuyến ở 3 điểm cầu: Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Sở TT-TT. Đồng thời, hệ thống truyền hình trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh đến 8 điểm cầu UBND cấp huyện đang được xây dựng; có 81 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. Đặc biệt, cổng thông tin điện tử tỉnh, tích hợp 24 trang tin điện tử của cấp huyện và các sở, ban, ngành trong tỉnh được nâng cấp theo quy định của Chính phủ và đã có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

 

Ngoài ra, cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc và hộp thư đạt 87%; tỉ lệ văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi giữa các cơ quan hành chính dưới dạng điện tử đạt 15%... góp phần minh bạch hóa thông tin, công khai hóa các quy trình giải quyết TTHC công, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và công dân trong việc giải quyết các TTHC.

 

Theo ông Lê Văn Thứ, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Phú Yên, ứng dụng CNTT giải quyết TTHC giúp người dân và doanh nghiệp giảm đi lại, bớt giấy tờ. Mô hình “một cửa liên thông hiện đại” của Sở KH-ĐT hoạt động tốt như hiện nay ngoài yếu tố con người còn có vai trò rất lớn của việc ứng dụng CNTT. Do đó, đa phần hồ sơ giải quyết đúng hẹn tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế cho tỉnh. Còn theo ông Lê Tỷ Khánh, Phó giám đốc Sở TT-TT, không những tăng hiệu quả trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước mà ứng dụng CNTT còn là nền tảng cho việc hình thành chính quyền điện tử. Đồng thời, giúp người dân, doanh nghiệp có cơ hội được tiếp xúc với một hệ thống cơ sở dữ liệu của các cơ quan công quyền một cách đầy đủ và tiện lợi.

 

CẦN NỖ LỰC NHIỀU HƠN

 

Hiện nay, cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang thứ cấp của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã ứng dụng CNTT trong hoạt động; Sở KH-ĐT vận hành thành công mô hình điểm “một cửa”, “một cửa liên thông hiện đại”; một số dịch vụ công trực tuyến đạt cấp độ 3… bước đầu đã xây dựng được hệ thống quy trình khoa học, tiện lợi cho các cá nhân, tổ chức; lưu trữ, tìm tài liệu, hồ sơ được thực hiện theo quy chuẩn, nhanh chóng. Hầu hết cán bộ, công chức của tỉnh có trình độ A, B tin học nên đáp ứng tốt yêu cầu ứng dụng CNTT.

 

Tuy nhiên, việc đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT có sự quan tâm nhưng chưa đồng bộ; kinh phí đầu tư của Trung ương và đối ứng của địa phương theo các chương trình, kế hoạch thấp, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, để thực hiện các chỉ tiêu trong kế hoạch của tỉnh đến năm 2015 thì cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Cụ thể, đến hết năm 2015, bảo đảm 100% các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008; tổ chức thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” ở tất cả cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh; 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo chức danh; 60% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học trở lên; 70% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện trên mạng điện tử; một số dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 tới người dân và doanh nghiệp.

 

Theo Sở TT-TT, để hoàn thành các chỉ tiêu này cần hoàn chỉnh mạng LAN của các cơ quan, đơn vị; xây dựng phần mềm trung gian để tạo sự liên thông, trao đổi văn bản thông suốt; tổ chức hội thi cán bộ, công chức, viên chức giỏi CNTT hàng năm; đào tạo, bồi dưỡng về CNTT, kỹ năng tin học căn bản và nâng cao đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên máy tính, trên môi trường mạng; tăng cường thu hút đội ngũ tri thức trẻ giỏi CNTT về công tác, có cơ chế, chính sách thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả…

 

Phát biểu kết luận tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện cải cách hành chính của tỉnh mới đây, đồng chí Phạm Đình Cự, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Mục đích cuối cùng của cải cách TTHC là tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Phấn đấu đến năm 2015, PCI của tỉnh nằm trong tốp 10 trên toàn quốc. Do đó, yếu tố ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý giữa các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cần được quan tâm hàng đầu và cần làm quyết liệt hơn để hoàn thành các chỉ tiêu”.

 

Mô hình 4 mức độ phát triển của các dịch vụ hành chính công trực tuyến được áp dụng đối với Chính phủ điện tử tại Việt Nam, bao gồm:

 

Mức độ 1: Cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết.

 

Mức độ 2: Cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để có thể in ra giấy hoặc điền vào các mẫu đơn.

 

Mức độ 3: Cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ.

 

Mức độ 4: Việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.

 

PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek