Tết Độc lập (2/9) bao giờ cũng gợi lại kỷ niệm đẹp và mang đến niềm vui, sự kỳ vọng vào tương lai cho nhiều người. Báo Phú Yên ghi lại những tâm sự của người con quê hương đất Phú về sự kiện trọng đại này.
Ông Trần Doãn Phu (Sn 1933, ở xã An Ninh Tây, Tuy An): “Ai cũng phấn khởi trước sự kiện trọng đại”
Trước đó, Đội Tuyên truyền của Ủy ban Mặt trận Việt Minh về các làng để tuyên truyền ngày lễ độc lập. Đúng ngày 2/9/1945, mới tờ mờ sáng, các mẹ, các chị đã rộn ràng lo cơm nước để kịp đi dự mít tinh tại sân vận động Ngân Sơn - Chí Thạnh cách nhà khoảng 10 cây số. Lúc này tôi là đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của làng Diêm Điền, được các anh chị đoàn viên, thanh niên hướng dẫn cách thức tổ chức, ăn mặc để về truyền đạt lại trong đội tham gia lễ mít tinh. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng chúng tôi cũng hiểu được ý nghĩa trọng đại của ngày lễ độc lập này, nên mới mờ sáng chúng tôi đã có mặt đông đủ tại sân làng. Tại đây, tất cả các đoàn thể đã có mặt đông đủ, tay cầm cờ, vừa đi vừa hô vang các câu khẩu hiệu. Lên đến thị trấn Chí Thạnh, chúng tôi thấy nhiều đoàn người từ các ngả đường nườm nượp kéo về trung tâm phủ Tuy An để kịp làm lễ mừng độc lập. Ai nấy cũng phấn khởi, mặc quần áo tươm tất, tay cầm cờ đỏ sao vàng tề tựu đông đủ tại sân vận động. Giữa rừng cờ đỏ sao vàng, mọi người được nghe đồng chí Trương Chí Cương, tức Trương Kiểm, Bí thư Tỉnh ủy đứng lên diễn thuyết: “Trải qua 80 năm, đồng bào ta đã cực khổ vì sự bóc lột dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật… Mặt trận Việt Minh ra đời và lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền từ tay thực dân Pháp, phát xít Nhật, tổ chức đó thực sự đại diện cho quyền lợi đồng bào ta. Đồng bào hãy một lòng một dạ ủng hộ Mặt trận Việt Minh”. Đồng chí Trương Kiểm vừa dứt lời, tiếng hô khẩu hiệu vang như sấm dậy: Mặt trận Việt Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm!
Tối đó, tùy điều kiện từng gia đình tổ chức liên hoan; các đội thanh thiếu niên, phụ nữ tập trung tại sân làng hát các bài hát ca ngợi cách mạng như Diệt phát xít, Tiến quân ca…
Ông Trần Công Khánh (sn 1933, ở Phường 6, TP Tuy Hòa): “Cùng ca ngợi đất nước”
Trước ngày 2/9/1945, tôi nghe cha tôi và một số người nói về tổng khởi nghĩa, ngày độc lập. Tuy còn nhỏ tuổi, chưa hiểu nhiều nhưng tôi cũng thấy vui lây với niềm vui của người lớn. Sáng 2/9, các bà, các mẹ đã dậy từ sớm, tranh thủ dán thêm cờ cho các thành viên trong gia đình. Tất cả mọi người từ nam, phụ, lão, ấu tập trung về trụ sở của làng Ninh Tịnh, phủ Tuy Hòa (nay là phường 6, TP Tuy Hòa) với một khí thế hừng hực, háo hức, phấn khởi, trên tay ai cũng có cờ đỏ sao vàng. Tại đây mọi người trong làng xếp thành hàng dài vừa đi vừa hô to các câu khẩu hiệu. Tại sân bay Tuy Hòa, hàng ngàn người im phăng phắc nghe đại diện Ban lãnh đạo Tổng khởi nghĩa phủ Tuy Hòa đọc diễn văn ca ngợi Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh; ca ngợi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ nhưng đã lãnh đạo toàn dân làm nên cuộc cách mạng vĩ đại, giành lại chính quyền từ tay thực dân Pháp, phát xít Nhật…
Thạc sĩ Trần Thanh Long, Bí thư Đoàn Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên: “Mong lao động trẻ có việc làm”
Là một công dân Việt Nam, hàng nămđến ngày kỷniệm Quốc khánh (2/9), tôi luôn cảm thấy tự hào vì những đổi mới của quê hương Phú Yên. Trong thời gian đến, tôi hy vọng tỉnh sẽ có chính sách thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động trẻ. Vì hiện nay nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Nhiều bạn trẻ tìm được việc đã khó mà làm theo đúng chuyên môn đã học lại càng khó hơn. Vì vậy, tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh có nhiều chính sách thuhút nhân tài là người địa phương đang học các trường đại học trong cả nước về phục vụ. Là một cán bộ Đoàn, tôi mong các bạn không ngừng học tập và rèn luyện để xứng đáng câu nói của Bác “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” bằng các hoạt động vì cộng đồng, các chiến dịch mùa hè xanh…
Ông Phạm Đạn, ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa): “Vươn khơi góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổquốc”
Khi còn thanh niên, tôi đã tham gia vận chuyển vũ khí và lương thực cho cách mạng, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cũng từ ấy đến giờ, tôi luôn gắn bó với biển và xem biển là nhà của mình. Hàng năm, mỗi khi đến ngày Quốc khánh, tôi lại nhớ về những người đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Hơn 50 năm bám biển, chiếc tàu cá của gia đình tôi thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Việc thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá đã động viên, tạo điều kiện cho chúng tôi đẩy mạnh làm ăn, yên tâm bám biển. Trong thời gian đến, các thành viên trong Nghiệp đoàn sẽ liên kết thành một khối thống nhất trên biển giúp nhau đánh bắt, đồng thời góp phần cùng với các lực lượng khác khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cô Trương Thị Nữ, hiệu trưởng Trường mầm non Xuân Thành (TX Sông Cầu): “Giáo dục các cháu ngay từ lứa tuổi mầm non”
Ngày Quốc khánh nước mình hàng năm như tiếp thêm sức mạnh cho tôi và các thầy cô trong trường dạy dỗ các cháu ngày càng tốt hơn, xứng đáng với sự mong mỏi của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Càng tự hào hơn khi Trường mầm non Xuân Thành vừa được khánh thành như một món quà chào mừng 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Chính sự kiện này nhắc nhở tôi phải làm tốt nhiệm vụ quản lý của mình, động viên tinh thần làm việc của các giáo viên trong trường để cùng nhau góp phần xây dựng bộ mặt của phường Xuân Thành ngày càng khởi sắc. Đồng thời, giáo dục các cháu ngay từ lứa tuổi mầm non biết thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy.
H.ANH - N.HÂN - T.THẢO (ghi)