Ông có thể nói và nghe rành rọt 3 thứ tiếng Chăm, Ba na và Kinh, là người đứng ra giải quyết nhiều vấn đề khúc mắc của bà con. Ông là Lê Văn Thại, già làng thôn 1, xã Đa Lộc (Đồng Xuân) mà bà con ở đây vẫn gọi thân mật là già Thại.
Già làng Lê Văn Thại - Ảnh: T.HƯƠNG
Ở tuổi 90, già làng Lê Văn Thại, dân tộc Chăm, ở thôn 1, xã Đa Lộc vẫn còn khỏe khoắn và nhanh nhẹn. Ông luôn tay luôn miệng trong mọi việc, từ việc chuẩn bị cho ngày tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm, ngày lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, Ba na… cho đến những việc tranh chấp ranh giới nương rẫy, bò giẫm phá nông sản, mất gà…
Già làng Lê Văn Thại chia sẻ: “Được bà con tín trọng gọi là già làng nên bản thân phải cố gắng với sự tín nhiệm của bà con. Trong giải quyết các mâu thuẫn của dân làng phải biết lắng nghe, tìm hiểu ra gốc rễ của các mâu thuẫn, từ đó mới có cách giải quyết hợp tình, hợp lý thì bà con mới nể phục và nghe theo”. Để thuận lợi hơn trong việc giải quyết công việc của thôn, vận động, tuyên truyền, giải thích cho bà con các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, ngoài tiếng Chăm của dân tộc mình, già Thại còn học thêm tiếng Ba na và tiếng Kinh. Già Thại cho hay: “Ở thôn 1, đồng bào dân tộc Chăm và Ba na cùng sinh sống, vì vậy để nghe, hiểu và giải quyết được công việc của thôn buộc mình phải thông thạo tiếng nói của bà con. Đồng thời, bản thân phải biết cả tiếng Kinh để còn đọc được sách báo, nghe được thông tin trên đài, hiểu được nội dung trong các cuộc họp của xã… từ đó mới nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước để truyền đạt lại cho dân làng”.
Với sự nhiệt tình, giải quyết công việc thấu tình, đạt lý của mình nên già Thại rất được bà con trong thôn tin tưởng. Bà Nguyễn Thị Ren ở thôn 1 bày tỏ: “Khi trong thôn, trong nhà gặp việc rắc rối bà con chúng tôi đều hỏi ý kiến của già Thại, nhờ ông giải thích, chỉ dẫn để có cách xử lý tốt nhất. Nhờ vậy mà kẻ xấu cũng không có cơ hội dụ dỗ, trục lợi hoặc khuấy động tâm lý của bà con trong thôn. Già Thại như là chỗ dựa tinh thần cho bà con của thôn”.
Ngoài ra, già Thại còn là sợi dây liên kết, gắn bó người dân với nhau. Ông thường xuyên vận động bà con phải biết thương yêu, đoàn kết, chia sẻ khó khăn cũng như những lợi ích trong cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong thôn. Tiêu biểu cho việc này, từ nhiều năm nay người dân ở thôn 1 đều tự giác chia sẻ các phần quà mà Nhà nước, các tổ chức hỗ trợ cho người nghèo trong thôn. Già Thại lý giải: Ở thôn 1 gần như nhà nào cũng nghèo, mà số quà tặng có hạn nên mỗi khi có sự hỗ trợ cho hộ nghèo trong thôn thì rất khó lựa chọn người nhận. Vì vậy, chúng tôi thống nhất giải quyết bằng cách sau khi nhận quà về, sẽ đem chia đều cho các hộ khó khăn trong thôn và được bà con đồng tình thực hiện nhiều năm nay.
Bên cạnh đó, già làng Lê Văn Thại còn phối hợp với ban lãnh đạo thôn 1 vận động, hướng dẫn bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế, cách áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để thoát đói nghèo. Để làm gương cho bà con, ở tuổi 90, già Thại vẫn cùng các con trong gia đình sản xuất gần 2ha mía và sắn, nuôi bò và làm lúa nước, mỗi năm cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Ông Phạm Thế Vụ, Phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc nhận xét: Già làng Lê Văn Thại là người có uy tín ở thôn 1, ông đã góp phần cùng địa phương tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo được sự đồng thuận cao trong người dân địa phương. Nhờ đó, ở thôn 1 tình hình trật tự an ninh được đảm bảo, ít xảy ra trộm cắp, tranh chấp… bà con an tâm sản xuất.
THỦY TIÊN